SKCĐ - XUYÊN TÂM LIÊN DƯỢC LIỆU BỊ LÃNG QUÊN
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng Số 34 (84) ngày 30/10/2019
Dược liệu Xuyên Tâm Liên từng một thời được coi như thần dược của thời bao cấp. Trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn sau ngày giải phóng, ngành y tế thời đó cũng như các ngành khác, đã phải đối đầu với tình trạng thiếu thốn đủ thứ. Xuyên Tâm Liên khi đó đã được áp dụng khắp nơi như một loại thuốc trị bách bệnh. Nhưng hiện nay khi các loại kháng sinh thế hệ mới ra đời cái tên Xuyên tâm liên đang dần bị lãng quên trong nền y học cổ truyền.
Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata)
Từng được coi như thần dược
Ai đã sống qua những năm đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất ắt chưa quên câu chuyện Xuyên Tâm Liên. Trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn sau nhiều năm chinh chiến, ngành y tế thời đó, cũng như các ngành khác, đã phải đối đầu với tình trạng thiếu thốn đủ thứ. Xuyên Tâm Liên khi đó đã được áp dụng khắp nơi như một loại thuốc trị bách bệnh.
Xuyên tâm liên có tên khoa học là Andrographis paniculata, họ Ô rô (Acanthaceae) hay còn gọi là công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ. Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka.
Xuyên tâm liên có thân cây mọc thẳng đứng, cao từ 0,3-0,8 m, nhiều đốt, nhiều cành. Lá nguyên, mềm, mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình trứng thuôn dài hay hơi có hình mác, hai đầu nhọn, mặt nhẵn, dài 3–12 cm, rộng 1–3 cm. Hoa màu trắng, điểm hồng, mọc thành chùm hình chuỳ ở nách lá hay đầu cành. Quả dài khoảng 15mm, rộng 3,5mm, hơi nhẵn. Hạt hình trụ, thuôn dài. Mùa hoa từ tháng 9 đến tháng 10. Người ta chủ yếu sử dụng lá và rễ của xuyên tâm liên để làm thuốc.
Thành phần hóa học trong toàn cây xuyên tâm liên bao gồm: 14 chất glucozit và flavon, với hoạt chất chính là andrographolide. Hoạt chất andrographolide có tác dụng diệt khuẩn mạnh, hàm lượng andrographolide cao khi mới thu hái, càng để lâu thì hàm lượng hoạt chất giảm làm giảm khả năng diệt khuẩn.
Tính năng nổi bật ở xuyên tâm liên đó là khả năng kháng khuẩn cao. Xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau, được dùng chữa vết thương, tẩm gạc đắp vết thương hoặc làm dịch nhỏ giọt rửa vết thương; chữa viêm họng, viêm phế quản, lị cấp (nước sắc Xuyên tâm liên cùng với bồ công anh, sài đất…). Do tính kháng khuẩn cao, xuyên tâm liên có tác dụng hiệu quả trong việc phòng bệnh ngoài da, diệt rôm sẩy. Tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam, người ta dùng cây này làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi sinh đẻ xong bị ứ huyết, đau nhức tê thấp, kinh nguyệt bế tắc, tràng nhạc.
Dược liệu bị lãng quên
Sau thời kỳ khó khăn, có nhiều thuốc lựa chọn hơn, nhất là các loại kháng sinh thế hệ mới, dần dần Xuyên Tâm liên chìm vào quên lãng, sản lượng trồng Xuyên Tâm Liên còn rất ít, và là vị thuốc ít được ghi đơn, cũng như tham gia trong thành phần của thuốc thành phẩm đông dược.
Trên các tạp chí y học quốc tế, một số nghiên cứu lâm sàng đã công bố về tác dụng chữa bệnh của xuyên tâm liên:
Bệnh cảm cúm thông thường, thử nghiệm có đối chứng của Burgos và cộng sự, với liều 1.200 mg cao xuyên tâm liên/ngày - tương đương với 5-6 g bột khô: Có tác dụng mạnh trong việc làm giảm các triệu chứng điển hình của bệnh cảm cúm thông thường như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, đau cổ họng, sổ mũi; giảm cường độ và tần số các cơn ho. Người bệnh có biểu hiện tiến bộ rõ ràng sau một ngày và mạnh nhất sau 4 ngày dùng thuốc. Các tác giả kết luận, xuyên tâm liên là thuốc trị cảm cúm có tác dụng tốt hơn hẳn các phương pháp điều trị được biết và không có tác dụng phụ có hại nào cho người bệnh.
Các nghiên cứu của Thụy Điển cũng chứng minh tác dụng rất khả quan của xuyên tâm liên đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn và virus. Hai thử nghiệm lâm sàng có đối chứng trên 46 và 179 bệnh nhân đã cho thấy khả năng làm giảm các triệu chứng cũng như rút ngắn thời gian bị bệnh rất đáng kể của thuốc này so với dùng giả dược hay các thuốc thông thường.
Các kết quả lâm sàng trên cho thấy, xuyên tâm liên có thể dùng cho các bệnh đường hô hấp như cảm, cúm, cúm gà, sốt xuất huyết hay bệnh viêm màng não do virus.
Ngoài các thử nghiệm lâm sàng có quy mô kể trên, các báo cáo nhỏ hơn của các bác sĩ thực hành cho thấy tác dụng độc đáo của xuyên tâm liên trong nhiều trường hợp mà các thuốc kháng sinh và chống viêm hiện đại không mang lại kết quả mong muốn. Tổng kết kinh nghiệm lâm sàng của các thầy thuốc dùng thuốc này ở châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, xuyên tâm liên có tác dụng: giảm đau do khớp và các viêm nhiễm khác; chống đông máu, phá các cục máu đông; kháng virus HIV, viêm gan C và herpes; nhuận tràng, long đờm, chữa viêm da, viêm quanh răng; lợi mật và bảo vệ gan, phòng ngừa xơ hóa, ung thư hóa do các hóa chất thực nghiệm.
Trong cuộc hành trình dài, giới y học lại tìm ra khả năng tuyệt vời chữa bệnh viêm gan, khả năng kháng sinh và điều trị một số bệnh ngoài da của xuyên tâm liên. Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu về thuốc Nam còn sử dụng xuyên tâm liên như một thành phần để chế tạo ra các loại thuốc và các sản phẩm ngâm, tắm để phòng chống các bệnh ngoài da như rôm, sẩy rất hữu hiệu cho trẻ nhỏ, phòng chống sốt rét hay như một thứ thuốc bảo vệ da một cách hết sức tự nhiên do có khả năng kháng khuẩn.
Xuyên Tâm Liên có giống kháng sinh không?
Các thử nghiệm chiết xuất Xuyên Tâm Liên không có tác dụng kháng khuẩn trong môi trường nuôi cấy nhân tạo nhưng các nghiên cứu của phương tây chứng minh lâm sàng cho thấy một số trường hợp viêm nhiễm nghiêm trọng do virus hay vi khuẩn gây ra, không thể khống chế bằng các loại thuốc kháng sinh hiện đại thế nhưng sau khi sử dụng Xuyên Tâm Liên lại mang kết quả tốt.
Xuyên Tâm Liên không tác dụng trực tiếp tác dụng lên vi khuẩn mà gián tiếp thông qua cơ thể tăng khả năng thực bào của bạch cầu, giúp cơ thể tạo ra môi trường bất thuận lợi để ức chế virus, vi khuẩn không thể phát triển. Theo quan điểm Tây y khi kê đơn thuốc để điều trị các bệnh viêm nhiễm, nếu muốn hiệu quả thì dược chất trong đơn thuốc phải có tác dụng trực tiếp trên vi khuẩn hay virus. Còn theo theo quan điểm Đông y "triệu chứng" là tập hợp những phản ứng và biểu hiện của cơ thể, đối với những tác nhân gây bệnh (ở đây chủ yếu là vi khuẩn, virus).
Xuyên tâm liên nên sử dụng trong những trường hợp nào?
Xuyên Tâm Liên là thuốc thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống theo kinh nghiệm cá nhân có thể sử dụng Xuyên Tâm liên liều cao ngắn ngày: 10-30g/ngày, từ 3-7ngày rất hiệu quả trong các “chứng” thực nhiệt:
-Cảm nhiệt có cảm giác nóng bừng, bứt rứt, môi khô, nghẹt mũi, ho khan, đau đầu như búa bổ...
-Nhiệt, nóng rát khu vực cổ họng (chớm bị viêm họng, hoặc bị viêm họng).
-Nhiệt phế (ho và khi ho nóng ran ngực).
Hay sử dụng Xuyên Tâm Liên liều thấp dài ngày: 2-5g/ngày, từ 1-3 tháng trong khi phối hợp với thuốc khác để điều trị viêm xoang.
Xuyên tâm liên không có tác dụng phụ gây hại sức khỏe. Nhưng đây là vị thuốc có tính hàn, do vậy khi bệnh nhân có biểu hiện hư hàn (tay chân lạnh, bụng lạnh, đi phân lỏng) không nên dùng với liều quá cao và dài ngày mà nên giảm liều lại hay tạm dừng để tránh được những tác dụng không mong muốn.
Đến ngày nay, nhiều thầy thuốc và bệnh nhân vẫn còn hoài nghi về tác dụng của xuyên tâm liên. Bằng chứng là Xuyên Tâm Liên thuộc nhóm vị thuốc ít được kê đơn nhất, thậm chí từ nhiều năm không hề có tên trên toa thuốc của các thầy thuốc y học cổ truyền.
Tiến sỹ - lương y Phùng Tuấn Giang
Link trên báo Sức khỏe cộng đồng điện tử:
https://baosuckhoecongdong.vn/xuyen-tam-lien-duoc-lieu-bi-lang-quen-141587.html
Quý độc giả quan tâm đến phương pháp nam dược cổ truyền có thể liên hệ:
Nhà thuốc Thọ Xuân Đường: Số 5-7 ngõ 1 phố Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại : 024.85874711 - Hotline: 0943406995/0937638282/0943986986