CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"
Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 08 ngày 09/06/2021
TUẦN 1 THÁNG 6
Câu hỏi 1: Diễn biến dịch bệnh covid-19 phức tạp, tôi là người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền nên nhờ chuyên gia chia sẻ một số vị thuốc nam giúp tăng sức đề kháng phòng dịch bệnh? Xin cảm ơn! (Trần Tam – Phú Thọ)
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
Sức đề kháng có thể giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Những vị thuốc nam sau đây sẽ giúp chúng ta tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong mùa dịch này.
Cây Bạc hà
Theo các nghiên cứu về thành phần hoạt chất, thì cây bạc hà chứa nhiều vitamin như A, C, D, B6, các dưỡng chất như Magnesium, Protein, limonene, sodium. Đặc biệt, trong bạc hà còn chứa hàm lượng lớn tinh dầu, trong đó chủ yếu là menthol, α, β, cimen, pulegone ethyl acetate, myrcen… Chính vì vậy, bạc hà có nhiều tác dụng dược lý tốt cho sức khỏe con người như: kích thích trung khu thần kinh, làm mạch máu giãn nở, thúc đẩy bài tiết mồ hôi để thải độc, kháng khuẩn, chống viêm, chống nấm,… Sử dụng bạc hà thường xuyên sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, theo Đông y bạc hà vị cay, the, tính ấm mát, không độc, đi vào kinh Phế, Can, Đởm có tác dụng trừ phong, làm ra mồ hôi, kiện tỳ, chỉ ho, chỉ tả, tăng tiết mật, kích thích tiêu hoá, giải độc, thúc ban sởi mọc… Thường được sử dụng trong các bài thuốc trị ho, cảm cúm, rất thích hợp sử dụng trong màu dịch này.
Cách dùng: Ngày dùng liều từ 2 – 12g, dạng hãm trà hoặc sắc uống. Rửa sạch 3g bạc hà khô hoặc 10g bạc hà tươi rồi cho vào 200ml nước đã đun sôi, hãm trà trong 5 phút, sau đó có thể cho thêm một chút mật ong hoặc đường tùy khẩu vị và thưởng thức.
Lưu ý: Trẻ nhỏ, những người khí hư huyết táo, can dương thịnh biểu hư, mồ hôi nhiều không nên dùng.
Diếp cá
Trong diếp cá có chứa thành phần hoạt chất decanoyl-acetaldehyd có tác dụng kháng khuẩn như ức chế tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu, e.coli, trực khuẩn bạch hầu gây các bệnh lý nhiễm khuẩn nguy hiểm… Do đó, diếp cá được coi vị thuốc kháng sinh tự nhiên giúp giải độc, kháng viêm, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn nhiều rau diếp cá có thể tăng cường hệ miễn dịch bởi vì chúng giúp kích thích sản sinh ra tế bào bạch huyết – tế bào thiết yếu giúp tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, nhờ tác dụng của Quercitrin và Dioxy-flavonon, diếp cá còn giúp lợi tiểu, làm chắc thành mao mạch máu. Hay theo Đông y diếp cá có vị chua, cay, tính mát, tác động vào 2 kinh can và phế thường được dùng để hạ sốt, chữa viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Chính vì vậy, diếp cá là vị thuốc nam mỗi nhà nên sử dụng để tăng cường hệ miễn dịch trong mùa dịch COVID-19.
Cách dùng: Lấy khoảng 100g rau diếp cá đem xay nhỏ rồi cho vào nồi, bỏ thêm nước vo gạo và đun sôi. Lọc lấy nước uống. Có thể cho thêm vài hạt muối cho dễ uống. Mỗi ngày dùng 2 lần, sau bữa ăn 1 giờ.
Cúc hoa
Trong hoa cúc có chứa thành phần hoạt chất Bisabolol, nó có tác dụng chống kích ứng, chống viêm và kháng khuẩn. Các hoạt chất kháng khuẩn và chống oxy hoá mạnh có trong thành phần của nó giúp cho cơ thể khoẻ mạnh và ngăn ngừa các tác hại và lây nhiễm của vi khuẩn. Theo nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại, hoa cúc có tác dụng diệt trên 200 loại virus gây cảm cúm. Vì vậy, áp dụng các bài thuốc từ cúc hoa sẽ rất hữu hiệu để nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể. Trong Đông y, có 2 loại hoa cúc thường được sử dụng làm dược liệu, đó là hoa cúc chi vàng và cúc trắng - bạch cúc.
Cách dùng: Rửa sạch 10g cúc hoa để ráo. Đun sôi 300ml nước trong nồi, thêm hoa cúc vào rồi hạ nhỏ lửa, đun thêm vài phút thì tắt bếp. Uống trong ngày trước bữa ăn từ 1 – 2 giờ hoặc sau ăn ít nhất 30 phút và có thể cho thêm chút mật ong sẽ ngon hơn.
Lưu ý: Người huyết áp thấp, tiêu chảy, ra nhiều mồ hôi, tỳ vị hư hàn không nên dùng.
Bạch hoa xà thiệt thảo
Các nghiên cứu Đông y chỉ ra rằng, Bạch hoa xà thiệt thảo là loại thảo dược giúp tiêu thũng, hoạt huyết, lợi niệu, tiêu ung tán kết. Còn theo Tây y, các nhà khoa học nghiên cứu cho thấy cây thuốc nam này có chứa các chất như hydrocarbure, acid p-coumaric, stigmasterol, acid oleanolic, ursolic, B-sitosterol, acid asperuloside, và sitosterol-D-glucose. Những chất này làm ức chế sự phân chia hình thành của các tế bào ung thư, kháng khuẩn tốt và tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bạch hoa xà thiệt thảo giúp nâng cao hoạt lực của các tế bào lympho B và lympho T. Đây là các tế bào có chức năng tiêu diệt các yếu tố gây hại khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời còn làm tăng cường đại thực bào - đây là thành phần quan trọng giúp nâng cao hệ thống miễn dịch, hạn chế bị bệnh vặt theo mùa.
Cách dùng: Mỗi ngày chỉ cần lấy 40g bạch hoa xà khô, rửa qua bằng nước sạch. Sau đó cho vào nồi đun cùng với 1 lít nước trong vòng 30 phút, rồi tắt bếp. Chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Câu hỏi 2: Em năm nay 25 tuổi nhưng bị rụng rất nhiều tóc, bạn bè em nói đó là dấu hiệu của bệnh ung thư, chuyên gia cho hỏi có phải em bị ung thư hay không ạ ?(Loan Trang – An Giang)
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
Rụng tóc được xem là một cơ chế tự nhiên của cơ thể bởi thông thường mỗi sợi tóc có chu kỳ sống khoảng từ 8 tháng đến 5 năm, khi hết chu kỳ tóc sẽ yếu dần và rụng đi. Tuy nhiên, nếu tóc rụng với số lượng nhiều kèm theo một vài triệu chứng bất thường, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe. Vậy, rụng tóc nhiều có phải là dấu hiệu của ung thư hay không?
Theo các chuyên gia y tế, rụng tóc nhiều KHÔNG phải bị bệnh ung thư, cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu nào công bố rằng rụng tóc có mối liên quan tới bệnh ung thư (trừ bệnh Ung thư da đầu). Sở dĩ mọi người thường thấy xảy ra hiện tượng rụng tóc trên bệnh nhân ung thư, nhưng đó là do tác dụng phụ của những phương pháp điều trị ung thư như hoá trị, xạ trị hoặc dùng thuốc điều trị ung thư. Hoàn toàn không có điều ngược lại, quan niệm rụng tóc là dấu hiệu của ung thư là hoàn toàn sai lầm.
Vì vậy các bạn đừng quá lo sợ và lầm tưởng mình bị Ung thư khi thấy mái tóc yếu rụng quá nhiều. Bởi vì có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh rụng tóc như:
Do căng thẳng, stress, mất ngủ kéo dài: Căng thẳng, stress và mất ngủ kéo dài khiến hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn đến sự thay đổi hàng loạt các hoạt động trong cơ thể, một trong những tác động đáng lo ngại đó là gây rụng tóc.
Rụng tóc do nấm: Các loại nấm tóc, nấm da đầu, viêm nang lông, viêm da tiết bã gây tổn thương trên da đầu thành từng đám nhỏ hay thành các đám lớn, gây gãy và rụng tóc
Sau sinh: Khi sinh con, sự mất cân bằng hormone trong giai đoạn mang thai và nuôi con khiến vòng đời của tóc bị ảnh hưởng. Giai đoạn tăng trưởng bị rút ngắn, chuyển nhanh sang giai đoạn tồn tại khiến tóc rụng nhiều.
Do thiếu máu và dinh dưỡng: Tương tự như các cơ quan khác trên cơ thể, tóc cũng được nuôi dưỡng chính bằng các chất dinh dưỡng từ máu. Vì thế, nếu cơ thể bị thiếu máu và các chất dinh dưỡng thì bạn sẽ thấy tóc rụng nhiều và thưa hơn.
Rối loạn chức năng hệ miễn dịch: Các bệnh lý như lupus đỏ, lichen phẳng, xơ cứng bì, vảy nến… đều gây ra tình trạng tóc rụng nhiều, rụng thành mảng… Những người mắc phải các căn bệnh tự miễn này thường nhận thấy tóc khô, xơ xác hơn, tóc rụng khi gội đầu hoặc chải tóc.
Do bệnh lý tuyến giáp: Các nhà khoa học đã chứng minh rằng: tình trạng suy giảm tuyến giáp có khả năng gây rụng tóc từng mảng trên da đầu. Nguyên do là bởi khi tuyến giáp bị suy giảm sẽ không còn khả năng sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như cấu trúc của tóc.
Nguyên nhân khác: Sử dụng quá nhiều mỹ phẩm dành cho tóc, thường xuyên uốn, duỗi, nhuộm, sấy, nhổ tóc… Rụng tóc còn do di truyền, còn gọi là rụng tóc liên quan androgen hay chứng hói đầu, thường xuất hiện từ 30 – 40 tuổi, nam nhiều hơn nữ.
Ngoài việc điều trị các bệnh lý gây rụng tóc, bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh và lựa chọn những loại dầu gội lành tính cho da đầu, hạn chế hoá chất. Các bạn có thể áp dụng ngay bài thuốc dân gian sau để có thể ngăn ngừa rụng tóc và kích thích mọc tóc nhé!
Chuẩn bị: Bồ kết 5-7 quả đã nướng thơm, 1 vỏ bưởi, 150g cỏ mần trầu
Cách dùng: Dùng 1 trong 3 loại thảo dược trên hoặc kết hợp cả 3 loại đun nước gội đầu tuần 2-3 lần, sau 1-2 tháng tóc sẽ hết rụng, nhanh dài và chắc khỏe.
*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]
*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282