CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"
Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 05 ngày 28/04/2021
Câu hỏi 1: Tôi bị hen suyễn mãn tính, xin chuyên gia chia sẻ một số cây thuốc nam điều trị hen suyễn để tôi được biết thêm ?(Lô Hùng – Phú Thọ)
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
Hen suyễn là một bệnh lý mạn tính của đường hô hấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi và đặc biệt bệnh thường khởi phát vào thời điểm giao mùa, khí hậu thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và chất lượng sống của người bệnh. Không ít người bệnh phải “đau đầu” vì việc họ cần sử dụng thuốc điều trị kéo dài vừa tốn kém, nhiều tác dụng phụ mà không có hiệu quả điều trị bệnh triệt để. Sau đây là một số cây thuốc nam có hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn và hạn chế tái phát căn bệnh mạn tính này .
Cây Hẹ
Cây hẹ có tên khoa học là Allium tuberosum Rottl.ex Spreng. Dịch chiết của lá hẹ có tác dụng kháng khuẩn mạnh với nhiều loại vi khuẩn như allicin, adorin, sulfit,… nên nó được ví như một loại kháng sinh tư nhiên, giúp điều trị hen phế quản có nguyên nhân nhiễm khuẩn. Đặc biệt, lá hẹ còn có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch, giúp chữa lành tổn thương do hen suyễn nhanh chóng hơn.
Theo Đông y, lá hẹ để tươi có tính nhiệt, nhưng khi nấu chín ăn lại có tính ôn (ấm), vị cay, đi vào các kinh can, tỳ và vị, có tác dụng ôn trung, hành khí, tán độc, chữa ho hen cho trẻ, tiêu hóa kém, trĩ sưng đau, ra mồ hôi trộm, đi tiểu nhiều lần...
Cách dùng: Chuẩn bị 1 nắm lá hẹ khoảng 100-200g và 1-2 thìa cafe mật ong nguyên chất. Lá hẹ rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ rồi bỏ vào bát. Thêm mật ong rồi hấp cách thủy cho đến khi lá hẹ nhuyễn. Chia ăn hỗn hợp lá hẹ hấp mật ong mỗi ngày 2-3 lần sẽ giúp giảm ho hen suyễn.
Lá nhót
Cây nhót có tên khoa học là Elaegagnus latifolia L, thuộc họ nhót (Elaeagnaceae). Trong Đông y, lá nhót có vị chua, tính bình, không độc có tác dụng chữa các chứng bệnh phế hư khí đoản, khái thấu khí suyễn, khái huyết, ung nhọt… Trong thực nghiệm, lá nhót có tác dụng kháng khuẩn làm ức chế mạnh sự phát triển của các chủng Shigella shigae, S.flexneri, S. sonnei và S. dysenteriae type 3. Tác dụng này chính là do thành phần tanin có trong lá nhót với hàm lượng cao cùng với saponin và polyphenol. Đồng thời, chúng cũng có tác dụng hạn chế quá trình viêm cấp và mạn tính đường hô hấp.
Cách dùng: Lá Nhót sao vàng tán mịn, ngày uống 2 lần vào buổi sáng sớm và buổi tối, mỗi lần 4g, dùng nước cơm nóng chiêu thuốc, liên tục trong 15 ngày (một liệu trình), trường hợp cần thiết có thể phải điều trị nhiều liệu trình. Hoặc dùng lá Nhót tươi 100g, sắc nước uống chia 3 lần trong ngày, liên tục trong 7 ngày.
Lá trầu không
Lá trầu không chứa các hoạt chất Eugenol, chavibetol, chavicol, estragol,.. có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn,…Vì thế lá cây này sẽ giúp điều trị hen phế quản có nguyên nhân do vi khuẩn, hoặc cũng có thể phòng tránh và ngăn ngừa biến chứng hen phế quản bội nhiễm. Ngoài ra, lá trầu không còn có khả năng kháng histamin (chất trung gian của phản ứng viêm gây ra co thắt phế quản) nên có thể góp phần giúp ngăn ngừa và kiểm soát sự tiến triển của bệnh hen suyễn.
Cách dùng: Chuẩn bị 7-8 lá trầu không và 4-5 lát gừng mỏng. Lá trầu và gừng rửa sạch để ráo nước, cho tất cả vào cối giã hoặc xay nhuyễn. Thêm 1 bát nhỏ nước sôi, ngâm trong khoảng 10 phút. Khuấy đều và lọc kĩ qua dụng cụ lọc hoặc khăn màn. Chia nước lọc lá trầu không uống 2 lần mỗi ngày, uống sau bữa ăn khoảng 30 phút. Uống như vậy trong 1 tuần thì dừng lại. Sau 30 ngày mới bắt đầu uống lại.
Cây tía tô
Cây tía tô hay còn gọi cây tô diệp, tử tô có tên khoa học là Perilla frutescens. Trong lá tía tô có chứa quercetin, acid alpha-lineolic, luteolin và rosmarinic acid, perilla có tác dụng kháng histamin chống dị ứng mạnh, chống viêm, chống oxy hóa làm giảm tổn thương các tế bào mà các gốc tự do gây ra trong quá trình bệnh sinh hen phế quản và giúp kiểm soát và ngăn ngừa khởi phát hen phế quản.
Cách dùng: Chuẩn bị 100g lá tía tô, 3 lát chanh tươi, 2,5 lít nước lọc. Rửa sạch lá tía tô, ngâm nước muối loãng trong 10 phút, vớt ra, để ráo nước. Đun sôi 2,5 lít nước lọc sau cho lá tía tô vào, đun sôi thêm 3-5 phút rồi tắt bếp. Đợi nước tía tô nguội rồi đổ vào chai thủy tinh, thêm mấy lát chanh vào, chia nước tía tô uống nhiều lần trong ngày.
Cây lá Hen
Cây lá Hen có tên khoa học là Calotropis gigantea (Willd.) Dryand ex Ait. f., thuộc họ Thiên lý - Ascleppiadaceae. Hoạt chất α-và β-amyrin trong lá Hen giúp giảm tổng hợp Leukotriene (chất trung gian tham gia vào phản ứng viêm gây co thắt phế quản), kháng histamin, chống oxy hóa vì vậy giúp cải thiện triệu chứng khó thở và làm giảm sự tiến triển của bệnh hen suyễn.
Cách dùng: Chuẩn bị 8-10 lá hen, đun lá với 1,5 lít nước sạch. Đun cạn còn khoảng 1 lít chia 3-4 lần uống trong ngày.
Câu hỏi 2: Những thực phẩm được khuyên dùng cho người bệnh ung thư vòm họng là gì? (Đàm Khang – Long An)
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
Ung thư vòm họng là căn bệnh ác tính thường gặp nhất trong số các bệnh lý ung thư vùng đầu mặt cổ. Bệnh gây ra các triệu chứng khó chịu như ù tai, nhức đầu, khó nuốt và đau nhức vòm họng khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc ăn uống hàng ngày. Do đó, việc xây dựng một chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư vòm họng cần phải đặc biệt và chi tiết hơn, từ đó giúp người bệnh ăn ngon miệng, giảm cảm giác đau đớn khi nuốt thức ăn, đồng thời bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể để có thể chống chọi lại với căn bệnh quái ác này. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A
Vitamin A có tác dụng khống chế, ngăn chặn không cho các tế bào khỏe mạnh biến chuyển thành ung thư. Loại vitamin này cũng giúp làm chậm lại tiến trình phát triển của khối u, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể. Vitamin A được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm có màu vàng hoặc vàng cam như: Cà rốt, bí ngô, khoai lang, ớt chuông, đu đủ… Ngoài ra, có thể ăn gan động vật, cần tây, cá và các sản phẩm từ sữa để bổ sung vitamin A cho cơ thể.
Các loại thực phẩm giàu protein
Các thực phẩm giàu protein mà người bệnh có thể lựa chọn đó là cá, thịt nạc, trứng, sữa, các loại hạt… Hàm lượng protein cao có trong những loại thực phẩm này sẽ giúp cho cơ thể người bệnh được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cải thiện thể trạng, phục hồi sức khỏe để đáp ứng được với các phương pháp điều trị ung thư vòm họng. Tuy nhiên vì người bệnh ung thư vòm họng thường bị tổn thương vùng hầu họng nghiêm trọng nên khi chế biến các thực phẩm này cần nấu thật mềm và nhừ để người bệnh dễ dàng hấp thụ và dễ tiêu hóa.
Ngũ cốc tinh chế
Ngũ cốc tinh chế chứa hàm lượng vitamin, chất xơ, tinh bột và các lại khoáng chất vô cùng quý giá, do đó người bệnh ung thư vòm họng sử dụng nhiều ngũ cốc tinh chế sẽ giúp cơ thể được hấp thu đầy đủ dưỡng chất cần thiết, điều này giúp người bệnh duy trì đủ sức lực cho quá trình điều trị bệnh lâu dài.
Bên cạnh đó ngũ cốc tinh chế là lựa chọn số một của các bệnh nhân ung thư vòm họng vì nó dễ sử dụng, dễ nuốt và tốt cho hệ tiêu hóa. Pha bột ngũ cốc với nước để uống, rất đơn giản và phù hợp cho vùng họng đang bị tổn thương.
Rau xanh và trái cây tươi
Rau xanh và trái cây tươi là những thực phẩm có chứa rất nhiều chất xơ, các loại vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Nó vừa giúp bổ sung các dưỡng chất vừa giúp cơ thể có thể giảm được một số tác dụng phụ của quá trình điều trị bệnh ung thư vòm họng.
Một số loại rau xanh như rau bina, rau chân vịt, mướp đắng, rau ngót, rau má, súp lơ, cải xoăn… có tác dụng hỗ trợ giải độc và chống viêm nhiễm cho cơ thể. Chúng cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa và giúp bổ sung nguồn chất xơ dồi dào cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Các loại trái cây tươi cũng đem lại hàm lượng vitamin cao cho cơ thể người bệnh, giúp cân bằng và tăng sức đề kháng.
Tuy nhiên không nên ăn các loại trái cây có vị chua, chứa nhiều acid gây hại cho niêm mạc hầu họng. Thay vì ăn trực tiếp, người bệnh có thể ép hoặc say sinh tố để dễ dàng hấp thu hơn.
Trên đây là những thực phẩm khuyên dùng cho người bệnh ung thư vòm họng, mong rằng sẽ giúp người bệnh xây dựng được thực đơn ăn uống có lợi cho bản thân, hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Để tránh sự nhàm chán, người bệnh nên luân phiên thay đổi các loại thực phẩm để thực đơn được phong phú. Khi ăn nên nhai kỹ trước khi nuốt và ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ năng lượng.
*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]
*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282