CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"
Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 04 ngày 07/04/2021
Câu hỏi 1: Xin chuyên gia chia sẻ về tác dụng chữa bệnh của tam thất ?(Gia An – Lào Cai)
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
Tam thất hay còn có tên gọi khác là sâm tam thất, kim bất hoán. Tên khoa học là Panax notoginseng, thuộc họ Nhân sâm. Đây là dược liệu có từ lâu đời và có giá trị ngang nhân sâm với rất nhiều công dụng.
Mô tả thực vật
Tam thất là cây thảo sống nhiều năm, thân cao 30-50cm. Lá kép chân vịt, mọc vòng 3-4 cái một, cuống lá chung dài 3-6 cm, mang 3-7 lá chét hình mác dài, mép khía răng, có lông cứng ở gân trên cả hai mặt, cuống lá chét dài 0,6- 1,2cm. Cụm hoa tán đơn ở ngọn thân; hoa màu lục vàng nhạt với 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị và bầu hạ 2 ô. Quả mọng hình cầu dẹt, khi chín có màu đỏ, hạt hình cầu, màu trắng.
Thành phần hóa học của Tam thất
Bộ phận dùng chủ yếu là rễ củ chứa saponin triterpen: saponin A, B, C, D, acid oleanolic, đường khử, 16 acid amin như phenylalanin, leucin, isoleucin, valin, lysin,.., các chất vô cơ như Fe, Ca,...
Tác dụng dược lý của tam thất
- Làm tăng khả năng hoạt động của súc vật thể hiện kéo dài thời gian bơi của lô chuột thử thuốc so với một lô đối chứng (những chuột này mang một cục chì nặng kẹp vào đuôi khi bơi để làm chóng mệt)
- Làm tăng sức đề kháng của súc vật đối với yếu tố độc hại như liều độc uabain với tim, nhiệt độ môi trường xung quanh quá cao hoặc quá thấp vượt ngoài giới hạn điều hoà của cơ thể
- Có khả năng kháng lại hiện tượng giảm lượng prothrombin trong máu thỏ và giảm khả năng máu đông gây thực nghiệm với dicumarol
- Không có tác dụng gây tăng huyết áp
Tam thất trong y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng chỉ huyết, phá huyết tán ứ, tiêu thũng định thống và tư bổ cường tráng, thường được dùng để chữa thổ huyết, nôn ra máu, đái ra máu, lỵ ra máu, băng huyết, rong kinh, sinh xong máu hôi ra không hết, mắt đỏ sưng đau, rắn độc cắn. Tam thất có hiệu quả tăng nhanh quá trình phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân suy nhược; thuốc chế từ củ tam thất dùng để hồi lại sức của những người đã trải qua nhiều bệnh nặng, nhất là đối với phụ nữ khi sinh đẻ bị yếu, tam thất còn làm tăng nội tiết sinh dục, trị vô sinh.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Tam Thất
- Chữa máu ra nhiều sau khi đẻ: Tam thất tán nhỏ uống với nước cơm, mỗi lần 8g.
- Chữa thiếu máu hoặc huyết hư các chứng sau khi đẻ: Tam thất tán nhỏ, uống 6g, hoặc tần với gà non ăn.
- Chữa các loại chảy máu hoặc sưng u ở nội tạng, các loại thiếu máu do mất máu nhiều hay do giảm hồng cầu: Tam thất tán bột, mỗi ngày uống 6-12g. Chảy máu cấp thì uống gấp bội, bệnh mạn tính thì uống kéo dài nhiều ngày.
Chữa chảy máu khi bị thương: Lá tam thất giã nhỏ, trong uống, ngoài đắp.
- Chữa suy nhược cơ thể ở người cao tuổi, phụ nữ sau khi đẻ: Tam thất 12g, sâm Bố chính, ích mẫu, mỗi vị 40g, kê huyết đằng 20g, hương phụ 12g. tán nhỏ, uống mỗi ngày 20g. Hoặc có thể sắc uống với liều thích hợp.
- Chữa viêm gan thể cấp tính nặng: Tam thất 12g, nhân trần 40g, hoàng bá 20g, huyền sâm, thiên môn, bồ công anh, thạch hộc, mỗi vị 12g, xương bồ 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa đái ra máu do viêm nhiễm cấp tính đường tiết niệu: Tam thất 4g, lá tre, cỏ nhọ nồi, kim ngân, mỗi vị 16g, sinh địa, cam thảo đất, mộc hương, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.
- Chữa rong huyết do huyết ứ: Tam thất 4g, ngải diệp, ô tặc cốt, long cốt, mẫu lệ, mỗi vị 12g, đương quy, xuyên khung, đan bì, đan sâm, mỗi vị 8g, một dược, ngũ linh chi, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Câu hỏi 2: Xin chuyên gia cho biết một số cách nhận biết sâm Ngọc Linh thật – giả qua mắt thường? (Lâm Hoài – TP Hồ Chí Minh)
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:
Để phân biệt sâm Ngọc Linh thật – giả cần dựa vào hình dáng củ, vị của sâm và kinh nghiệm của những người trồng sâm. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều loại sâm giả được quảng cáo là sâm Ngọc Linh thật.
Sâm Ngọc Linh hiện nay có giá trị kinh tế rất cao nên các đầu nậu luôn tìm cách trà trộn, làm giả nhái Sâm Ngọc linh. Nhiều người đã tiền mất tật mang khi mua phải Sâm Ngọc Linh kém chất lượng...
Sau đây là 5 điểm nhận biết Sâm Ngọc Linh từ bên ngoài:
- Quan sát các đốt của rễ củ sâm: thông thường số tuổi của sâm sẽ tương đương với số đốt trên phần rễ củ. Chú ý từ chân củ sinh ra một đốt có nghĩa là nhân sâm 2 năm tuổi, 2 đốt tương đương với 3 năm tuổi… tương tự như vậy người mua sẽ nhẫm được số tuổi của sâm ngọc linh. Sâm Ngọc Linh thật các mắt đốt trên thân củ so le nhau, sâm giả các mắt đốt thẳng hàng hoặc lệch ít.
- Chú ý hình dáng chân của củ sâm: nếu là sâm ngọc linh thật thì càng nhiều tuổi phần chân của sâm càng to và rắn chắc.
- Dựa vào số đốt của đầu củ sâm: các chuyên gia thường nhìn vào các đốt phần đầu củ sâm để xác định số tuổi. Ví dụ như sâm 4 năm là 2 đốt, 5 năm là 3 đốt, 6 năm tuổi là 4 đốt trở lên…
- Dựa vào kích thước đầu củ sâm: Với sâm ngọc linh thật thì kích thước đầu và kích thước thân của củ sâm lâu năm thường gần bằng nhau. Do vậy, nếu là sâm giả thì người bán sẽ cố tình cắt bớt một phần đầu củ sâm để người mua khó nhận ra.
- Dựa vào đường vân của ruột củ sâm: nếu dùng dao cắt ngang khoảng 2-3 cm cách về phía đầu củ, quan sát sau khoảng 5 phút, dùng ngón tay hoặc lòng bàn tay xoa lên bề mặt vừa cắt. Khi nhựa củ sâm chảy ra, các đường vân nổi lên tương ứng với số tuổi sâm.
Chú ý: Nếu cẩn thận và chính xác ta nên nếm mùi vị của sâm đó là vị đắng ngọt hậu. Hoặc mang tới các chuyên gia hoặc cơ sở kiểm nghiệm để có kết quả đúng là sâm Ngọc Linh.
*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]
*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282