SKCĐ - Chuyên mục alo lương y Phùng Tuấn Giang xin nghe số 08 ngày 27/04/2022

CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"

Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 08 ngày 27/04/2022

 

 

Hỏi: Lương y tư vấn giúp cơn đau quặn thận là gì, có nguy hiểm không? Xin cảm ơn !

(Ngọc Diệp – Đồng Nai)

Trả lời: 

Cơn đau quặn thận là gì?

Cơn đau quặn thận hay còn được gọi “cơn đau bão thận” vì đây là cơn đau dữ dội, xuất hiện đột ngột vùng hố thắt lưng vùng thận. Cơn đau quặn thận thường bắt đầu một cách đột ngột, có thể sau một hoạt động gắng sức nào đó hoặc được báo trước bằng triệu chứng đau thắt lưng, bí tiểu,…

Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau quặn thận như sỏi niệu quản, xuất huyết đài bể thận, viêm chít hẹp quanh niệu quản, sỏi đài bể thận, u niệu quản, u bàng quang… nhưng có tới 75 – 80% các trường hợp đau quặn thận là do sỏi thận - niệu quản.

Dấu hiệu nhận biết cơn đau quặn thận

Cơn đau quặn thận thường xuất hiện khi các khu vực đài bể thận, vỏ bao thận bị căng tức, áp lực thận tăng cao kéo theo một loạt các cơn đau quặn thắt, dữ dội theo từng cơn. Nếu người bệnh làm việc gắng sức, vận động mạnh sẽ gây kích thích, tác động nhất định khiến thận trở nên đau thắt.

Cơn đau quặn thận thường xuất hiện với các đặc điểm sau:

Cơn đau quặn thận điển hình

Có thể đau ở bên trái, bên phải thận hoặc cả 2 bên, thường bắt đầu ở hố thắt lưng, sau đó lan đến hạ sườn, xuống dưới bẹn và vùng sinh dục ngoài. Cơn đau dữ dội, kéo dài từ 20 phút đến hàng giờ và không thể cải thiện ngay cả khi thay đổi tư thế. Người bệnh có thể mắc kèm một số triệu chứng như: Vã mồ hôi, mặt tái nhợt, sốt cao, ớn lạnh, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, bí tiểu, tiểu buốt hoặc tiểu ra máu,…

Cơn đau không điển hình

Cơn đau nhẹ, âm ỉ ở thắt lưng kèm theo biểu hiện tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít hoặc bí tiểu, đau tức nhẹ vùng sinh dục ngoài.

Cơn đau quặn thận có nguy hiểm không?

Cơn đau quặn thận gây đau dữ dội và gây áp lực lên thận, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong cho người bệnh. Một số biến chứng nguy hiểm của cơn đau quặn thận là:

Giãn, ứ nước thận niệu quản, vỡ đáy đài thận (fornix)

Vì sỏi gây tắc dòng nước tiểu đi từ thận di chuyển tới niệu đạo nên làm giãn thận niệu quản phía trên sỏi. Từ đó, áp lực trong thận bị tăng cao đột ngột, gây ra những cơn đau quặn thận rất dữ dội. Biện pháp tạm thời là giảm đau, nhưng chỉ là điều trị triệu chứng. Việc cần làm là loại bỏ sớm nguyên nhân gây tắc, làm giảm áp lực cho thận. Nếu không khống chế được vấn đề này, áp lực trong thận tăng cao sẽ dẫn tới vỡ đáy đài thận để nước tiểu thoát ra ngoài.

Ứ mủ thận

Khi sỏi di chuyển xuống niệu quản, nó cọ sát vào thành niệu quản có thể gây nhiễm trùng đường tiểu, nặng hơn có thể gây nhiễm trùng máu gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, đây là biến chứng nặng nhất. Ngoài ra, khi sỏi làm nghẽn tắc đường tiểu dẫn đến ứ nước bể thận, nặng hơn gây ứ mủ thận do thận bị nhiễm trùng do ứ nước.

Xơ teo thận, huyết áp cao

Xơ teo thận, huyết áp cao có thể gặp do viêm khe thận mãn tính do sỏi

Suy thận

Biến chứng ít nước tiểu hoặc không có nước tiểu thường xảy ra ở người chỉ có một thận ( thận đơn độc) hoặc bị sỏi thận cả hai bên. Có thể gặp là suy thận cấp hoặc suy thận mạn. Đây là biến chứng nặng nề ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và tăng chi phí khi điều trị.

Như vậy, để hạn chế những biến chứng nguy hiểm kể trên do cơn đau quặn thận gây ra, người bệnh nên có các biện pháp chủ động phòng ngừa và thăm khám sớm khi có dấu hiệu đau tức vùng thắt lưng, tiểu buốt, tiểu khó. Ngoài ra, khi đã phát hiện sỏi thận (một trong những nguyên nhân chính gây cơn đau quặn thận) người bệnh nên điều trị tích cực nhằm loại bỏ nguy cơ biến chứng của sỏi gây ra.

Hỏi: Đái tháo nhạt là bệnh gì? Đái tháo nhạt có nguy hiểm không thưa chuyên gia?

 (Ánh Hồng – Gia Lai)

Trả lời: 

Đái tháo nhạt là bệnh gì?

Đái tháo nhạt là một nhóm bệnh rối loạn cân bằng nước với đặc trưng là tiểu rất nhiều mỗi ngày, thường lượng nước tiểu > 3 lít mỗi ngày do thận giảm khả năng tái hấp thu nước. Nguyên nhân của căn bệnh này thường xuất phát từ sự thiếu hụt bài tiết hoặc đề kháng với hoocmon chống bài niệu ADH của thùy sau tuyến yên.

Đái tháo nhạt được chia làm 3 thể chính

-    Đái tháo nhạt trung ương

Do tuyến yên hoặc vùng dưới đồi bị phá hủy. Nguyên nhân là do bệnh nhân từng trải qua phẫu thuật tuyến yên, u tuyến yên, viêm tuyến yên hoặc do chấn thương sọ não. Tình trạng này khiến thùy sau tuyến yên không sản xuất đủ lượng hoocmon ADH. Hoocmon AND bị thiếu hụt khiến bệnh nhân đi tiểu lượng rất nhiều.

-    Đái tháo nhạt do thận

Do những khiếm khuyết ở ống thận khiến thận không chịu sự kiểm soát của hoocmon AND nữa, khiến cho thận lọc ra nhiều nước tiểu hơn. Nguyên nhân gây ra khiếm khuyết ống thận có thể do bệnh thận mạn tính như viêm thận bể thận mạn, bệnh thận đa nang, do sử dụng 1 số thuốc kháng sinh, thuốc gây hại cho thận…

-    Các thể Đái tháo nhạt khác

Đái tháo nhạt ở phụ nữ có thai: Thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kì, nguyên nhân do bánh nhau ở 1 số phụ nữ mang thai tiết ra 1 loại enzyme phá hủy ADH

Đái tháo nhạt ở những bệnh nhân hạ kali máu, tăng calci máu, bệnh nhân có sự giảm cô đặc nước tiểu…

30% bệnh nhân bị đái tháo nhạt không rõ nguyên nhân.Các biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt.

Các biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt

Tùy theo từng người mà biểu hiện của đái tháo nhạt có thay đổi chút ít:

-    Biểu hiện ở trẻ em

Trẻ em cũng có thể bị đái tháo nhạt với các biểu hiện như quấy khóc nhiều, đi tiểu nhiều lần với lượng nhiều mỗi ngày, nếu đóng bỉm thì thấy bỉm ướt thường xuyên phải thay liên tục. Bệnh nhân có thể sốt, nôn, tiêu chảy và có biểu hiện mất nước như da khô, nhăn nheo, thóp lõm, chân tay lạnh. Trẻ cũng thường chậm lớn, gầy sút cân

-    Biểu hiện ở người lớn

Triệu chứng nổi bật của bệnh đái tháo nhạt là uống nhiều và tiểu nhiều. Mỗi ngày bệnh nhân thường đi tiểu > 3 lít, thường là 4-8 lít mỗi ngày, thậm chí có thể tới 15 lít một ngày khiến bệnh nhân mất nước nghiêm trọng. Bệnh nhân luôn cảm thấy khát nước, họng miệng khô khiến phải uống nhiều nước. Đồng thời cũng bị gầy sút cân do mất nước nhiều

Nếu tình trạng đái tháo nhạt không được kiểm soát kịp thời sẽ thấy các biểu hiện của mất nước nặng như môi khô, tim đập nhanh, huyết áp tụt… thậm chí hôn mê, nguy hiểm tính mạng.

Đái tháo nhạt khác với bệnh đái tháo đường là bệnh nhân không thèm ăn, không đói, đi tiểu không có kiến bu.

Nói chung đái tháo nhạt là bệnh ít gặp, nhưng cần chẩn đoán phân biệt với đái tháo đường và một số bệnh khác. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

 

*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]

*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282


Tác giả: [email protected]

Điện thoại liên hệ:0943.986.986