SKCĐ - Chuyên mục alo lương y Phùng Tuấn Giang xin nghe số 12 ngày 11/08/2021

CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"

Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 12 ngày 11/08/2021

 

 

TUẦN 1 THÁNG 8

Câu hỏi 1:  Tôi hút thuốc lá lâu năm, tiền sử bị viêm dạ dày có nên tiêm phòng COVID-19 thuốc của AstraZeneca, trường hợp nào cần trì hoãn hoặc thận trọng khi tiêm? (Thái Tuấn – Bắc Ninh)

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:

Ngày 18/6/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2995/QĐ-BYT về việc hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày ký (18/6/2021) và bãi bỏ Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng

Các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:

- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.

- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.

- Người trên 65 tuổi

- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:

+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.

+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg.

+ Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng

- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù,...

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.

- Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Các đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19

- Tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Như vậy, trường hợp của bạn không nằm trong các điều kiện trì hoãn tiêm chủng, bạn nên sắp xếp tiêm ngừa sớm và đầy đủ.

Vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh, các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%.

Vắc xin phòng COVID-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong.

Câu hỏi 2:  Em năm nay 20 tuổi và mới có bạn trai, bạn trai em gần đây đòi gần gũi, em rất lo sợ về các loại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Chuyên gia chỉ giúp những bệnh lây truyền qua đường tình dục để em trang bị thêm kiến thức? Xin cảm ơn! (Mai Anh – Đồng Nai)

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:

Ai cũng nghĩ rằng bệnh lây truyền qua đường tình dục là những căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, chỉ có quan hệ với người bệnh mới mắc bệnh. Tuy nhiên, theo những thống kê của các bệnh viện thì bệnh lây truyền qua đường tình dục còn có thể đến từ những nguyên nhân không thể ngờ tới.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục và những con đường lây lan

Bệnh lây truyền qua đường tình dục là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ những căn bệnh nguy hiểm có ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội vì có nguy cơ lây nhiễm cao. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến xuất hiện nhiều nhất hiện nay phải kể đến như: bệnh lậu, bệnh giang mai, bệnh sùi mào gà, mụn rộp sinh dục,…

Các bệnh lý này chủ yếu đều do virus, vi khuẩn có cơ hội tấn công vào cơ thể gây ra. Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ngay nay đang ngày càng gia tăng do những thói quen sinh hoạt của nhiều người về vấn đề tình dục.

Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cho biết, ngoài lây nhiễm qua đường tình dục thì các bệnh lây truyền qua đường tình dục này còn có thể lây nhiễm qua nhiều con đường khác mà không phải ai cũng biết như lây qua đường tiếp xúc, lây qua đường máu, lây từ mẹ sang con, dùng chung đồ dùng với người bệnh,…

Cảnh giác với những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm

Sùi mào gà

Khi bị nhiễm virus HPV, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 – 9 tháng, sau thời gian này bệnh mới bắt đầu có những triệu chứng điển hình như xuất hiện các nốt mụn thịt màu hồng nhạt mọc đơn lẻ hoặc tập trung thành từng cụm như hoa mào gà và bắt đầu tiết dịch ẩm ướt ở vùng kín, khiến cơ quan sinh dục ngứa ngáy khó chịu.

Bệnh lậu

Bệnh lậu do các lậu cầu khuẩn xâm nhập vào cơ thể và ủ bệnh từ 2 – 6 ngày sau đó gây ra các dấu hiệu rõ ràng như đau dọc niệu đạo, cảm giác nóng, buốt mỗi lần đi tiểu, tiểu buốt, tiểu ra mủ, ngứa và sưng niệu đạo. Ở nữ giới, những triệu chứng này thường mờ nhạt và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa nên chị em cần hết sức lưu ý.

Bệnh giang mai

Bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra, thường có thời gian ủ bệnh từ 3-90 ngày. Sau thời gian ủ bệnh giang mai thường phát triển thành nhiều giai đoạn với những triệu chứng không rõ ràng theo từng thời điểm. Các triệu chứng như xuất hiện nốt săng giang mai, nổi ban hồng,… có thể tự biến mất mà không cần điều trị khiến người bệnh chủ quan cho rằng chỉ là những bệnh ngoài da thông thường.

Mụn rộp sinh dục

Sau 4 – 7 ngày ủ bệnh, virus HSV xâm nhập qua da vào cơ thể là gây ra những mụn nước nhỏ li ti ở cơ quan sinh dục, miệng, hậu môn,… hay bất cứ vị trí nào tiếp xúc với virus gây bệnh. Những nốt mụn nước này dễ vỡ và gây lở loét khiến người bệnh sẽ có cảm giác đau đớn và khó chịu.

Do đặc tính của các loại bệnh lây truyền qua đường tình dục này là rất khó điều trị dứt điểm, hay tái phát nếu không điều trị tại phòng khám chuyên khoa uy tín, đảm bảo an toàn và có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Làm xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục khi nào?

Để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và những người xung quanh, hãy chủ động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt là nên làm ngay các xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục khi gặp phải những triệu chứng bất thường như:

- Rối loạn tiểu tiện, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu hoặc mủ.

- Đau rát vùng kín khi quan hệ tình dục, giảm khoái cảm, xuất huyết sau khi quan hệ.

- Dịch vùng kín bất thường, có màu lạ, mùi hôi khó chịu, có lẫn máu hoặc mủ.

- Niêm mạc vùng kín sưng tấy, đỏ, chạm vào đau buốt.

*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]

*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282

 

 


Điện thoại liên hệ:0943.986.986