MÓN ĂN BÀI THUỐC MÙA THU
Mùa thu tiết trời se se lạnh, thời tiết dễ chịu nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh. Theo lý luận y học cổ truyền thì mùa thu thuộc hành Kim, tạng phế cũng thuộc hành kim. Trong tiết trời mùa thu nếu phòng bệnh không tốt rất dễ mắc các bệnh của tạng Phế và đại tràng. Cùng tìm hiểu 1 số món ăn bài thuốc mùa thu.
1. Lý luận y học cổ truyền về ăn uống trong mùa thu
Mua thu bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến hết tháng 9 âm lịch hàng năm, trải qua 6 tiết khí là Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng. Khi mùa thu tới, chuyển từ mùa hè với nắng gay gắt sang mùa thu mát mẻ dễ chịu. Đây là thời điểm dưỡng khí dần dần thu liễm bế tàng và âm khí tăng trưởng. Trong tiết thu gió nhiều mưa ít nên tiết trời thường se lạnh và khô táo.
Chính vì đặc điểm của tiết thu như vậy mà ăn uống cần chú ý đảm bảo “thu đông dưỡng âm”, “phòng táo giữ âm, tư thận nhuận phế”. Có nghĩa là nên lựa chọn các thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt dưỡng âm, bổ sung tân dịch như củ mài, ngân nhĩ, tổ yến, bách hợp, khoai môn, khoai sọ, củ cải, kỷ tử, hà thủ ô, mía, sữa bò, mật ong…
2. Một số món ăn bài thuốc mùa thu
- Tổ yến chưng táo đỏ kỷ tử
Nguyên liệu: Tổ yến 20g, Táo đỏ 20g, Kỷ tử 10g, Đường phèn vừa đủ
Cách chế biến: Tổ yến nhặt sạch lông, đem rửa sạch rồi ngâm trong nước 10 phút. Táo đỏ và kỷ tử rửa sạch để ráo nước. Sau đó vớt yến, táo đỏ, kỷ tử ra cho vào 1 cái tô sứ, thêm 1 lượng đường phèn vừa đủ rồi đổ ngập nước.
Cho bát sứ vào nồi hấp cách thủy khoảng 1 giờ là bỏ ra, múc vào các bát và thưởng thức.
Mỗi ngày 1 người chỉ cần ăn khoảng 5-10g yến là đã đủ dinh dưỡng, giúp tăng cường sức khỏe.
- Cháo đậu xanh hạt sen
Nguyên liệu: Đậu xanh 50g, Hạt sen 50g, Đường phèn vừa đủ
Cách chế biến: Ngâm đậu xanh trong nước ấm khoảng 30 phút cho nở đều rồi vớt ra loại bỏ hạt xấu, hạt hỏng. Hạt sen luộc sơ rồi đỏ nước đi. Sau đó cho đậu xanh vào nồi ninh đến khi chín thì thêm hạt sen vào ninh thêm khoảng 5 phút, thêm đường phèn vừa ăn.
Mỗi ngày nên ăn 1 bát cháo đậu xanh hạt sen vào buổi sáng, tốt cho hệ tiêu hóa. Đậu xanh để cả vỏ có tác dụng thanh nhiệt giải độc rất tốt.
- Canh ngân nhĩ
Nguyên liệu: 20g ngân nhĩ(mộc nhĩ trắng), đường phèn vừa đủ
Cách chế biến: Ngâm mộc nhĩ trắng trong nước ấm cho nở hết thì rửa sạch, cắt bỏ chân rồi thái thành các sợi nhỏ. Sau đó cho vào bát sứ cùng đường phèn và đổ ngập nước. Cho vào nồi hấp cách thủy khoảng 1 giờ là có thể bỏ ra sử dụng.
Mỗi ngày có thể ăn 1 chén canh ngân nhĩ trước bữa ăn khoảng 1 giờ, rất tốt cho những người phế thận âm hư.
- Gà ác hầm nhị đông
Nguyên liệu: Gà ác 1 con, Thiên môn đông 20g, mạch môn đông 20g, gừng 3 lát, hành tím 1 củ, các gia vị
Cách chế biến: Gà ác làm sạch, lấy bỏ nội tạng và rửa bằng nước muối pha loãng khử mùi hôi. Thiên môn đông và mạch môn đông ngâm rửa sạch. Sau đó cho thiên môn, mạch môn vào trong bụng gà cùng hành và gừng, thêm gia vị và 500ml nước vào. Sau đó đun sôi thì hạ lửa nhỏ, ninh trong khoảng 30 phút cho gà chín mềm là được.
Mỗi tuần có thể ăn 2-3 lần giúp bổ phế thận, bổ huyết tăng sức khỏe
- Cá chép nấu táo đỏ
Nguyên liệu: Cá chép 1 con, táo đỏ 10 quả, gia vị vừa đủ
Cách chế biến: Cá chép 1 con to vừa phải, làm sạch và bỏ nội tạng, rửa bằng nước muối gừng cho hết hôi. Táo đỏ rửa sạch bỏ hạt. Đun sôi 1 lít nước cho sôi thì cho cá chép vào, thêm táo đỏ, 3 lát gừng, 1 củ hành tím đập dập vào nấu cho chín, nêm gia vị vừa ăn. Sau đó múc ra bát thêm rau ngò cho thơm. Ăn cả nước và cái
Ngoài ra có rất nhiều món ăn bài thuốc trong mùa thu như cháo củ mài, bách hợp nấu đường phèn, vịt nấu hạt sen, cấ chạch nấu tỏi, canh ngó sen hầm thịt, canh hải sâm ngân nhĩ… Tùy theo sở thích của mỗi người mà có thể lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp.