5 LOẠI LÁ THUỐC NAM TRONG THANG CHỮA DẠ DÀY CỦA NGƯỜI DAO
Đất nước ta trải dài từ Bắc chí Nam, với 64 tỉnh thành và 54 dân tộc anh em. Sự đa dạng về các nền văn hóa trên lãnh thổ mang lại cho chúng ta rất nhiều giá trị hữu ích. Một trong số đó là những bài thuốc cũng như phương pháp chữa bệnh đặc sắc của riêng mỗi dân tộc như dân tộc Dao, Tày, Nùng,… Hôm nay, Thọ Xuân Đường giới thiệu đến quý vị độc giả năm loại lá thuốc nam dùng trong thang chữa dạ dày của đồng bào người Dao.
1. Lá Khôi
- Lá khôi hay khôi nhung, khôi tía được bà con dân tộc Dao Hòa Bình sử dụng phổ biến để chữa các bệnh lý dạ dày và thường được trồng xung quanh nhà.
- Tên khoa học: Ardisia sylvestris Pitarrd, Họ: đơn nem Myrsinaceae.
- Thành phần hóa học: Tanin, glycoside.
- Lá khôi được nghiên cứu có tác dụng làm giảm acid dạ dày, giảm nhu động ruột, đưa nồng độ dịch vị về mức bình thường, săn se niêm mạc dạ dày.
- Liều thông thường sử dụng: 40-80g/ ngày.
2. Lá Khổ sâm
- Khổ sâm cho lá được gọi là cây cỏ đắng, mọc hoang nhiều ở khắp nơi. Được sử dụng phổ biến để chữa tiêu chảy, bên cạnh đó nó cũng được xuất hiện trong phương thuốc chữa dạ dày.
- Tên khoa học là Cronton tonkinensis Gagnep., Họ Thầu dầu – Euphorbiaceae.
- Thành phần flavonoid, alcaloid, β – sitosterol, stigmasterol, acid benzoic, tecpenoid.
- Khổ sâm khi kết hợp với Bồ công anh, lá khôi có tác dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh lý dạ dày. Thông thường, khổ sâm là thuốc đặc trị bệnh rối loạn tiêu hóa.
- Liều sử dụng: 16-20g.
3. Lá Dạ cẩm
- Dạ cẩm là cây thân leo, còn gọi là cây loét mồm (Hedyotis capitellata Wall. exg. Don), họ Cà phê (Rubiaceae).
- Thành phần hóa học: Tanin, alkaloid, saponin.
- Theo dong y, dạ cẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, tiêu viêm, lợi tiểu. Trên thực tế lâm sàng, dạ cẩm có tác dụng làm giảm các cơn đau và có tác dụng trung hòa acid trong dạ dày, làm bớt ợ hơi, ợ chua, làm cho vết loét nhanh lành lại và nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho người bệnh.
- Liều dùng: Từ 12-15g.
4. Lá Bồ công anh
- Bồ công anh là loại cây thân thảo, ở nước ta có nhiều giống khác nhau, trong đó ưa chuộng nhất là bồ công anh hoa vàng.
- Tên khoa học là Lactuca indica L., Họ Cúc – Asteraceae. Trong dân gian cây Bồ công còn gọi là cây Bồ cóc, Diếp hoang, Diếp dại, Mũi mác, cây Diếp trời.
- Thành phần hóa học: chứa nhiều loại vitamin A, C, canxi, sắt,…
- Bồ công anh có tác dụng tiêu độc, chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ. Còn dùng uống để chữa bệnh đau dạ dày, ăn kém tiêu viêm bàng quang.
- Liều dùng: 9-12g.
5. Lá mơ lông
- Mơ lông là cây dây leo bằng thân cuốn được sử dụng nhiều làm rau gia vị.
- Tên khoa học: Paederia foetida L. Họ:Cà phê (Rubiaceae).
- Thành phần hóa học: disulfua carbon, methylmercaptan, acid amin, caroten và vitamin C.
- Theo đông y, lá mơ lông vị chua, tính bình, có công dụng trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng. Ngoài hỗ trợ chữa dạ dày còn chữa kiết lỵ, tả, ho gà,…
- Liều dùng: 15-60g