CÂY THUỐC CÁCH VÀNG CHỮA BẠI LIỆT, VÀNG DA, PHÙ, KHỚP
Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng thảo mộc làm thuốc trị bệnh, tuy nhiên việc sử dụng cây thuốc chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian, không quan tâm đến thành phần hóa học và hàm lượng hoạt chất có trong cây. Theo y học cổ truyền, dược liệu Cách vàng (tên khoa học là Premna chevalieri P.Dop) dùng lá nấu nước xông chữa bại liệt, vàng da, phù, đau khớp.
1. Mô tả
Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 2 – 5m. Cành non phủ lông mịn, cành già nhẵn có vỏ màu nâu, nứt dọc. Lá mọc đối, hình trái xoan hoặc bầu dục – trái xoan, gốc tròn, đầu thuôn thành mũi nhọn, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới nhạt có lông thưa, mép nguyên hoặc khía răng ở gần đầu lá.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và cành thành chùy phân đôi, hình trụ có lông; lá bắc ở gốc có dạng lá, các lá bắc trên nhỏ hình dài; hoa nhiều màu vàng nhạt có vạch đỏ, họng màu tím, đài 5 răng ngắn có tuyến; tràng có 2 môi, môi trên tròn nguyên, môi dưới chia 3 thùy ngắn, nhẵn ở mặt trong, có tuyến ở mặt ngoài; nhị 4, 2 dài, 2 ngắn, chỉ nhị đính ở giữa ống tràng, dài bằng tràng ; bầu nhẵn có tuyến ở gần đỉnh, đầu nhụy chẻ đôi. Quả hạch, màu đen. Mùa hoa quả từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm.
Chi Premma L., thuộc họ Verbenaceae trên mặt thế giới có khoảng gần 200 loài, ở Việt Nam có 25 loài (Vũ Xuân Phương, 2005 & 2007). Loài cách vàng trên đây phân bố ở một số tỉnh miền núi, như: Cao Bằng (Quảng Hòa), Thái Nguyên (Đại Từ), Phú Thọ (Thanh Ba), Ninh Bình (Cúc Phương), Nghệ An (Quỳ Châu, Quỳ Hợp). Trên thế giới, loài này cũng thấy phân bố ở Nam Trung Quốc và Lào.
Cách vàng thuộc loại cây bụi lớn hay gỗ nhỏ, nếu không bị chặt tỉa có thể cao tới 5m. Cây ưa sáng, ưa ẩm và cũng có thể hơi chịu hạn; thường mọc rải rác trong các rừng thứ sinh (thưa), đồi cây bụi hoặc ở ven rừng núi đá vôi (Quảng Hòa – Cao Bằng). Độ cao phân bố có thể tới 600m. Cây ra hoa quả hằng năm nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu bởi hạt và có thể mọc thành cây chồi sau khi bị chặt (khi cây còn nhỏ).