HOA BAN CẢ MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ
Mỗi khi xuân sang vùng núi Tây Bắc lại ngập tràn sắc hoa ban trắng. Không chỉ là hình ảnh văn hóa đại diện của các tỉnh miền núi Tây Bắc mà hoa ban còn được dùng làm thuốc chữa bệnh, là thành phần của nhiều bài thuốc hay của dân tộc bản địa.
Hoa ban trắng còn gọi là ban Tây Bắc, ban sọc, móng bò sọc, tên khoa học là Bauhinia variegata L., thuộc họ Đậu (Fabaceae). Loài ban trắng này có nguồn gốc ở miền đông nam châu Á, phân bố từ miền nam Trung Quốc kéo dài về phía tây tới Ấn Độ. Ở nước ta, ban trắng xuất hiện rộng khắp nhưng chủ yếu ở vùng Tây Bắc (nơi phân bố tự nhiên). Đây là loài cây đẹp, tán rộng, lá xanh tươi hình trái táo, hoa trắng có sóc phớt tím hồng. Vì vậy, đến nay, hoa ban trắng được trồng nhiều trong công viên, hai bên đường và ven bờ hồ ở các đô thị.
Biểu tượng văn hóa của hoa ban
Hoa ban là biểu tượng văn hóa của dân tộc Thái vùng Tây Bắc nước ta. Mùa xuân đến, khi hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng (vào dịp tháng 2 âm lịch), người Thái ở Tây Bắc tổ chức “Lễ hội hoa Ban”. Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối và cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lứa đôi hạnh phúc, gia đình an vui…
Để làm lễ, Dân tộc Thái mang lễ vật (một con lợn, mấy cành ban, hoa ban, chai rượu, hai bát gạo, hai bát cơm, vài nén hương, trầu cau) lên hang Thẩm Lé (Yên Bái) cúng. Thầy mo làm lễ cúng thần hang, thần rừng, cầu cho dân chúng có cuộc sống ấm no, sung túc. Trong lễ hội, Thanh niên trai gái Thái đều vui hội hái hoa. Các chàng trai thi nhau trèo lên các cây ban hái hoa. Ở bên dưới, các cô gái đón lấy những bông hoa thả xuống. Anh chàng nào có ý với cô gái nào thì thả vào chỗ cô đó. Các cô gái cũng vậy, ưng anh nào thì cố mà đón lấy hoa của anh đó thả xuống. Trong tình yêu, hoa ban thể hiện cho sự chân thành, thanh cao, thủy chung, gắn bó. Lễ hội còn sôi động với những âm thanh của tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng và những điệu múa dân tộc đầy bản sắc.
Đến nay, lễ hội hoa ban như trên không còn được tổ chức hàng năm, có những thanh niên Thái còn không biết đến. Tuy nhiên, các tỉnh Tây Bắc vẫn tổ chức Lễ hội hoa ban bằng hình thức khác, quy mô hơn, các tiết mục được chuẩn bị kỹ càng hơn, có sự tham gia dự lễ của nhân dân, chính quyền địa phương và khách du lịch trong và ngoài nước. Lễ hội vẫn giữ được bản sắc dân tộc mà còn quảng bá hình ảnh du lịch, văn hóa Tây Bắc. Thành phố Điện Biên Phủ là nơi tổ chức thành công sự kiện này hàng năm, người địa phương thì tự hào, du khách thì những ấn tượng, cảm nhận tốt đẹp về mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, linh thiêng, tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa và thân thiện.
Bà con vùng cao Tây Bắc coi hoa ban như thể nông lịch của mình, họ phát nương vào lúc hoa nở (tháng 2 âm lịch) và tra hạt vào lúc hoa tàn (tháng 3 âm lịch). Mùa hoa ban nở rộ, các bà, các chị lúc đi nương thường mang về một ít hoa ban để làm rau ăn. Hoa ban có thể được dùng để nấu canh, làm nộm, luộc hoặc đồ chín...
Hoa ban trắng làm thuốc chữa bệnh
Hoa ban gắn liền với đời sống của bà con dân tộc miền núi phía bắc, không chỉ tô điểm thêm cho cảnh quan núi rừng mà còn làm thức ăn, làm thuốc chữa bệnh.
• Trị ho, viêm họng
- Hoa ban (phơi khô) 15g sắc với 500ml nước đến khi còn lại 100ml, pha cùng 1 chút đường phèn. Chia làm 3 lần uống sáng, trưa, tối.
- Lá hoa ban (phơi khô) 10 – 15g. Sắc uống chia 3 lần trong ngày.
• Trị đau bụng, lỵ và tiêu chảy
- Nụ hoa ban (phơi âm can) 15g hãm với nước sôi 5-7 phút, uống trước khi ăn sáng, uống liền 1 tuần.
- Hoa ban tươi, nấu canh ăn hàng ngày, chú ý khi nấu không nên dùng quá nhiều dầu mỡ.
- Vỏ thân cây hoa ban tươi cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái mỏng, giã nát, vắt lấy nước, uống ngày 3 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê (khoảng 10ml).
- Vỏ thân cây hoa ban phối hợp với lá búp ổi, vỏ tươi cây vối rừng, lượng bằng nhau, giã nát, vắt lấy nước cốt, mỗi lần uống 2 thìa cà phê, ngày uống 4-5 lần, cách nhau 3-4 giờ.
• Trị giun đũa
- Vỏ thân cây hoa ban tươi cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái mỏng, giã nát, vắt lấy nước, mỗi ngày uống 4 thìa cà phê, ngày 1 lần, uống 4 ngày liền.
• Làm lành vết thương, nhanh lên da non
- Vỏ thân cây hoa ban tươi cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái mỏng, phơi khô hoặc sao khô, tán thành bột mịn, thêm nước cất, trộn cho sền sệt, bôi đắp ngoài da.
• Trị sốt
- Hoa ban 50g hoa đun sôi với 500ml nước trong 4-5 phút, chia uống ít một trong ngày, uống liên tục trong 2-3 ngày.
Nghiên cứu y học hiện đại về cây hoa ban
Phân tích sơ bộ thành phần hóa học của cây hoa ban cho thấy sự hiện diện của alkaloid, tannin, flavonoid, steroid, triterpenoid và saponin. Cây hoa ban được nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh nhiều tác dụng dược lý như: Kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa, gây độc tế bào, hạ đường huyết, chống tăng lipid máu.
Lá hoa ban có tác dụng hạ đường huyết. Một loại protein giống như insulin có trong lá của cây hoa ban về khối lượng phân tử cũng như tác dụng hạ đường huyết. Có hiệu quả trong điều trị cả bệnh tiểu đường type I và type II.
Chiết xuất methanolic của lá hoa ban giúp giảm đáng kể lượng cholesterol, triglyceride, LDL, VLDL và làm tăng mức HDL trên động vật thực nghiệm.
Chiết xuất vỏ thân, lá và hoa ban thể hiện hoạt động kháng khuẩn đáng chú ý, ức chế được nhiều chủng vi khuẩn gram âm và gram dương.
Hạt hoa ban có chứa một chất ức chế trypsin được gọi là BvvTI. Bên cạnh hoạt động phiên mã ngược chống HIV-1, BvvTI có thể ức chế đáng kể sự tăng sinh của các tế bào ung thư vòm họng (CNE-1) theo cách chọn lọc. Chiết xuất ethanol hoa ban cũng được chứng minh tác dụng chống khối u trên in vivo và gây độc tế bào ung thư in vitro với các dòng tế bào ung thư biểu mô thanh quản (HEp2) và ung thư vú (HBL-100).
Thành phần polyphenol trong hoa và lá ban có tác dụng chống oxy hóa được thử nghiệm in vitro.
Các món ăn ngon từ hoa ban – đặc sản Tây Bắc
Hoa ban hái về nhặt lấy cánh và nhụy, rửa sạch và chần qua nước nóng dùng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
• Nộm hoa ban măng đắng
- Thành phần: Hoa ban, măng đắng, cá suối, giềng, tỏi, ớt, bột canh, đường, chanh, mắc khén.
- Cách nấu: Hoa ban nhặt lấy cánh và nhụy, rửa sạch, luộc chín (không quá nát) để ráo nước. Măng đắng bỏ vỏ già, rửa sạch, thái lát mỏng ngâm với nước gạo hoặc với chút muối, luộc sơ đổ nước đầu, luộc lần 2 kỹ hơn, sau đó đổ ra rổ cho ráo. Cá suối làm sạch, nướng chín trên than hồng, gỡ lấy thịt. Giềng, tỏi, ớt rửa sạch, giã hoặc băm nhỏ. Trộn các nguyên liệu đã sơ chế vào với nhau cùng vớt 1 chút bột canh, đường, chanh và mắc khén. Cho nộm ra đĩa, trang trí bằng bông hoa ban tươi.
• Xôi hoa ban chấm chẳm chéo
- Thành phần: Nếp nương, hoa ban, muối, dổi, ớt, hạt tiêu, mắc khén, rau mùi, rau mùi tàu, rau húng, gừng, sả.
- Cách làm: Nếp nương ngâm nước qua đêm. Hoa ban rửa sạch, chần sơ. Đồ nếp nương cùng hoa ban với chút muối thành xôi dẻo. Làm chẳm chéo với muối, dổi, ớt nướng, hạt tiêu, mắc khén, rau mùi, rau mùi tàu, rau húng, gừng, sả… giã nhỏ. Xôi hoa ban được chấm cùng với chẳm chéo, rất thơm và có vị ngon đặc trưng.
• Canh hoa ban
- Thành phần: Hoa ban, xương trâu, măng tươi, hành lá, bột nếp, gia vị
- Cách làm: Hoa ban tách cánh và nhụy, rửa nhẹ nhàng, để ráo. Xương trâu rửa sạch, ninh nhừ, nêm gia vị, khi ninh chú ý vớt bọt nổi. Măng tươi rửa sạch tước sợi. Hành lá bỏ rễ, rửa sạch, thái nhỏ. Khi ninh nhừ xương ngọt nước cho măng vào, khi măng chín cho tiếp bột nếp khuấy đều, khi canh quyện thì cho hoa ban và hành lá vào, tắt bếp.
Đây là những món ăn tiêu biểu, đặc trưng từ hoa ban của người dân tộc Thái. Ngoài ra, hoa ban, lá ban, quả non còn dùng để chế biến nhiều món ăn ngon khác, có thể liệt kê như: Lá ban xào, hoa ban xào lòng gà, hoa ban xào thịt trâu, cá nướng hoa ban, gà nướng hoa ban, hoa ban xào rau má, canh hoa ban móng giò…
Hoa Ban mỏng manh, yếu ớt nhưng đi nhiều vào thơ ca, sử sách. Thật đúng như vậy, vẻ đẹp của phụ nữ dân tộc Thái bắt nguồn từ hoa ban. Họ dùng hoa ban chế biến thành nhiều món ăn ngon, có tác dụng thanh lọc cơ thể, làm da dẻ mịn màng, trắng hồng. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã so sánh vẻ đẹp của vùng núi Tây Bắc với người con gái Thái
“Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu.”
Tiến sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam
Để được tư vấn về sức khỏe, quý vị vui lòng liên hệ Nhà thuốc đông y Thọ Xuân Đường.
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282