SÂM NGỌC LINH – NHỮNG ĐIỀU…KỲ DIỆU!
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 24 (74) ngày 14/08/2019
Chúng tôi tham gia đoàn khảo sát vùng nuôi trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh- tỉnh Quảng Nam cùng đoàn kỹ thuật và các nhà khoa học của Viện nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam (GIR) vào những ngày đầu tiên của mùa mưa Trường Sơn. Người Trà Linh bảo : nếu muốn xem sâm mà gặp mùa mưa, thì ….thôi, ở nhà cho khỏe. Không thể lên núi được đâu. May mắn sao, dù đã bước vào mùa mưa, nhưng chúng tôi vẫn có vài ngày nắng ráo để leo lên núi Trà Linh –một trong những đỉnh cao nhất của dãy núi Ngọc Linh trên dải Trường Sơn. Khỏi phải kể về sự gian truân, vất vả của những cung đường trèo đèo lội suối dốc đứng cheo leo, mà anh em trồng sâm của Trung tâm sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam vẫn bảo là “đã khá hơn trước nhiều”, chỉ nói riêng về những điều kỳ lạ của cây sâm “nữ hoàng này trên đỉnh non cao đã mãi không hết chuyện.
Đoàn khảo sát của Viện GIR trên chốt sâm Ngọc linh
Nào là chuyện về cá tính “sang chảnh” và kiêu kỳ của nàng sâm, khi nàng nhất quyết không thèm ăn thêm phân bón hay dinh dưỡng bổ sung, hay chất kích hoa kích lá gì hết. Nếu cứ phun bừa, bón bừa là nàng… thối, không chịu sống, không chịu ra lá ra hoa ra rễ nữa ! Nào là nàng “ tinh tế ” và mong manh tới mức luôn cần một môi trường thật trong lành, sạch sẽ, không nấm bệnh, không virus vi khuẩn, thậm chí không cả hơi người ! Nếu những tác nhân gây ô nhiễm môi trường rừng ấy mà tăng cao chút xíu, là nàng … hoặc là lụi tàn, hoặc là trốn sâu dưới đất, ngủ vài mùa không thèm lên lá, không thèm ra hoa kết trái ! Thậm chí, thà tự làm mình thối nhũn đi để trở thành một lớp mùn vô danh trong rừng nguyên sinh còn hơn phải sống oặt ẹo trong môi trường bị ô nhiễm. Cá tính của nàng Ngọc Linh này là thế….
Hay câu chuyện về những “người hùng” dân tộc Xê-đăng, vốn gắn bó cả đời với nàng tiên sâm, như bị bỏ bùa mê thuốc lú, muốn xa rời nàng cũng không thể nào xa… Câu chuyện về ông Hồ Văn Du người xã Trà Linh là một ví dụ. Ông bảo “ hồi 12-13 tuổi mình đã cùng cha vào rừng tìm sâm rồi . Hồi đó, gọi là cây thuốc giấu. Sau này cán bộ nó gọi là sâm K5. Minh trồng nó từ lúc mình 18 tuổi. Đến bây giờ gần 40 năm rồi. Mình yêu nó mà. Mình không muốn bán cây sâm đâu….”
Mà thật! Gần đây nhiều người dụ thế nào, nài nỉ thế nào ông Du cũng không chịu bán một cây sâm trong khu rừng hàng chục héc-ta của gia đình ông. Ông bảo “mình không bán đâu, không còn chỗ cất tiền nữa mà…”. Tưởng ông nói đùa, nhưng khi hỏi chuyện anh em ở Trung tâm sâm và dược liệu Quảng Nam thì quả thật, người dân Xê –Đăng ở vùng trồng sâm này không thiếu tiền và cũng không có nhu cầu giữ tiền. Hay như chuyện về ông vua sâm Hồ Văn Lượng ở xã Trà Cang, tuy chỉ học hết lớp 6 nhưng đã biết áp dụng đủ mọi loại kiến thức tự học để tạo ra một vườn sâm được đánh giá cả ngàn tỷ đồng. Nhưng dù ai kia có trả giá cỡ nào, 1 cây ông cũng không bán. Nhưng khi cần cứu người, thì nhổ ngay cả 3 cây lâu năm nhất đem cho… Lời đồn rằng mỗi nhà phải có hàng trăm tỷ đồng gửi ngân hàng cũng không phải là không có căn cứ. Vì những năm gần đây giá sâm Ngọc Linh tăng chóng mặt. Nếu như cuối năm 2018, 1kg sâm tươi loại (20 củ/1kg) có giá 70-80 triệu đồng, thì nay đã lên tới 150-170 triệu đồng. Nếu có loại tuổi cao, từ trên 10 năm thì giá phải gần 200 triệu /1 kg, mà cũng không dễ mua. Thậm chí, có khi người ta bán lá và cành sâm tươi, cũng được 15-20 triệu đồng /1 kg. Cái khó là, từ khi giá sâm tăng lên, thì hiện tượng trà trộn, đưa loại sâm khác, giống khác từ vùng khác đến bán cũng bắt đầu xuất hiện, khiến khách hàng thực sự có nhu cầu lại phải nâng cao cảnh giác khi giao dịch mua sâm ngoài phạm vi của phiên chợ sâm do huyện tổ chức. Ngay chính quyền địa phương huyện Nam Trà My cũng đã phải tăng cường giám sát và kiểm định các sản phẩm sâm bán tại chợ sâm Ngọc Linh do huyện tổ chức vào ngày 1-3 đầu tháng và luôn có những khuyến cáo, cảnh báo tới khách hàng bằng hệ thống loa mắc ngay tại chợ.
Một trong những nỗi niềm của người trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh hiện nay là thực sự còn quá thiếu thốn các điều kiện cơ bản để chăm sóc cây sâm thật tốt. Ví dụ đường giao thông, mấy năm nay tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My đã ưu tiên phát triển đường giao thông nông thôn. Nhiều con đường đến các vùng trồng sâm trọng điểm đã được làm mới hoặc cải thiện. Nhưng đó là những con đường liên xã. Còn đường lên núi vẫn vô cùng gian nan. Một cái khó nữa là các khu vực trồng sâm chưa có điện, cũng không có sóng điện thoại chứ chưa nói đến sóng wifi vì vậy rất khó áp dụng khoa học kỹ thuật và những công nghệ quản lý mới, hiện đại được. Ví dụ : các nhà trồng sâm muốn áp dụng công nghệ gắn chip theo dõi sinh trưởng của cây sâm, hay gắn camera bảo vệ nhưng không có điện thì cũng bó tay. Ngay chuyện không có sóng điện thoại cũng gây trở ngại không ít. Mỗi khi có dịch bệnh trên sâm, cần được thông tin kịp thời và theo dõi sát sao diễn biến của bệnh, thì chỉ có mỗi cách là “xuống núi rồi lên núi lại” để truyền thông tin, cung cấp hình ảnh và mẫu bệnh phẩm, trong khi đường lên đường xuống mất cả ngày đường. Chính vì thế mà hiện nay người trồng sâm chủ yếu phó thác cho tự nhiên, trồng theo kinh nghiệm. Cây sâm bệnh thì chỉ biết vái... thần rừng.
Điều đáng mừng là, Viện nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam (GIR), gồm những chuyên gia đầu ngành về sâm- đã bắt tay vào nghiên cứu “cô nàng đỏng đảnh” này, để tìm ra những phương pháp nhân giống chuẩn mực, bảo vệ các đặc tính riêng có của sâm, tạo ra môi trường phù hợp với đặc tính sinh trưởng của sâm, thử nghiệm trồng sâm trong nhà giàn mái che công nghệ cao điều tiết khí hậu để dần dần thuần hóa, giúp đưa cây sâm Ngọc Linh ra trồng theo qui mô công nghiệp, để góp phần ổn định giá thành, tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ mục tiêu chế biến, chiết xuất, bào chế cây sâm quí này thành những dược liệu cao cấp hơn, với giá thành hợp lý hơn. Mới đây, Viện GIR đã bào chế ra một loại dung dịch bảo vệ thực vật từ thiên nhiên và hợp chất hữu cơ, giúp tiêu diệt nấm gây thối củ rũ lá ở cây sâm Ngọc Linh, đang đưa vào thử nghiệm. Hiện Viện cũng đang nghiên cứu chế ra các dòng dinh dưỡng bổ sung để giúp cây sâm khỏe mạnh, thúc đẩy ra hoa kết quả tốt hơn.
Mong rằng những nghiên cứu của Viện GIR sẽ sớm được nghiệm thu, khảo nghiệm và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn trồng sâm, để sớm nâng cao được sản lượng và chất lượng của cây sâm Ngọc Linh – vốn được coi là Quốc bảo của Việt Nam.
Tình Vũ