ĐÔNG Y CHỮA BỆNH DA BỌNG NƯỚC TỰ MIỄN
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 19 (69) ngày 10/07/2019
Pemphigus là một thuật ngữ Latinh để chỉ chung các bệnh da mà triệu chứng chính là bọng nước. Các nghiên cứu cho phép khẳng định nhóm bệnh Pemphigus là bệnh da bọng nước tự miễn.
Đặc điểm dịch tễ
Bệnh xảy ra khắp nơi trên thế giới. Tỷ lệ này thay đổi từ 0,5 - 4/100.000 dân. Ở Việt Nam, theo số liệu của Viện Da liễu Quốc gia và Bệnh viện Da liễu thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ có xu hướng tăng theo những năm gần đây.
Phân loại
Trước đây, người ta phân loại Pemphigus như sau: Pemphigus thông thường, Pemphigus sùi, Pemphigus vảy lá, Pemphigus thể đỏ da
Hiện nay người ta chia ra như sau:
- Nhóm Pemphigus sâu bao gồm: Pemphigus thể thông thường và Pemphigus sùi.
- Nhóm Pemphigus nông bao gồm: Pemphigus thể vảy lá và Pemphigus thể đỏ da.
Ngoài các hình thái chính trên, gần đây một số hình thái hiếm gặp của bệnh Pemphigus cũng được mô tả như Pemphigus dạng Herpes, Pemphigus IgA.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Cho tới nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa hoàn toàn sáng tỏ trong cơ chế bệnh sinh của Pemphigus.
Các tác giả cũng thấy rằng bệnh Pemphigus có sự phối hợp của một số yếu tố sau: di truyền, miễn dịch, tế bào
Pemphigus thông thường (Pemphigus vulgaris)
Là thể lâm sàng hay gặp nhất, chiếm khoảng 60-70% tổng số các hình thái Pemphigus. Bệnh hay gặp ở người 40 - 50 tuổi. Tỷ lệ nam và nữ mắc bệnh là tương đương.
• Khởi phát
- Bệnh khởi phát không có triệu chứng tiền triệu. 50 -70% trường hợp khởi đầu ở niêm mạc miệng.
- Những vùng niêm mạc khác có thể bị tổn thương là kết mạc, thực quản.
- Đôi khi bệnh khởi phát bằng những tổn thương rỉ nước, đóng vảy tiết ở da đầu, rốn, vùng nách.
• Toàn phát
- Bọng nước xuất hiện đột ngột ở một vài nơi hoặc toàn thân.
- Bọng nước kích thước lớn, mềm, nhăn nheo, nằm rời rạc trên nền da bình thường không viêm, rất dễ vỡ, để lại những vết trợt da.
- Tổn thương rải rác khắp trên cơ thể, tập trung hơn ở vùng tỳ đè, nách, vùng chậu.
- Ngứa, thường bệnh nhân có cảm giác đau rát.
- Dấu hiệu Nikolsky (+).
- Toàn trạng sớm bị ảnh hưởng, sau có thể sốt dai dẳng, sốt cao hoặc vừa, kéo dài nhất là khi phối hợp với nhiễm khuẩn.
- Thể trạng suy sụp dần do những cơn phát bệnh liên tục. Có thể thấy các rối loạn khác như tiêu hóa (nôn mửa, tiêu chảy); rối loạn tâm thần hay rối loạn tiết niệu (phù, đái ít, albumin niệu).
• Tiến triển và tiên lượng
- Bệnh diễn tiến mạn tính xen kẽ những cơn bộc phát liên tục.
- Nếu không điều trị tỷ lệ tử vong khoảng 75%. Nếu được điều trị đúng phương pháp thì diễn tiến bệnh có tốt hơn, tổn thương da lành nhanh.
Bệnh Pemphigus sùi
Là một thể lâm sàng khu trú của Pemphigus thể thông thường. Pemphigus sùi tương đối hiếm gặp so với Pemphigus thông thường.
Vị trí chọn lọc thường ở niêm mạc và các nếp lớn như nách, bẹn, mông, nếp dưới vú.
• Lâm sàng
Bọng nước vỡ nhanh để lại những mảng trợt da, sau đó sùi lên hình thành những mảng u nhú có mủ, đóng vảy tiết, bốc mùi hôi thối đặc biệt.
• Tiến triển và tiên lượng
Tương tự Pemphigus thể thông thường.
Bệnh Pemphigus vảy lá
• Lâm sàng
Gồm hai giai đoạn
- Giai đoạn bọng nước: khởi đầu bọng nước nhỏ, mềm nhăn nheo, nhanh chóng dập vỡ. Vị trí ở mặt, lưng, ngực. Tổn thương có thể xuất hiện trên da lành hay mảng đỏ da. Niêm mạc không bị tổn thương. Đây là tiêu chuẩn lâm sàng quan trọng để chẩn đoán phân biệt với Pemphigus thể thông thường và Pemphigus vảy lá.
- Giai đoạn đỏ da: bọng nước biến mất nhanh, để lại những mảng ban đỏ tróc vảy, rỉ dịch nhiều, chiếm toàn bộ cơ thể hình thành bệnh cảnh đỏ da toàn thân.
Bệnh Pemphigus thể đỏ da hay da mỡ (hội chứng Senear – Ushear)
Đây là một thể khu trú của Pemphigus foliaceus.
• Lâm sàng
- Thương tổn cơ bản là bọng nước. Bọng nước nhanh chóng dập vỡ để lại những mảng hồng ban đóng vảy tiết. Vảy tròn, dày, màu vàng khu trú ở các vùng tiết bã: mặt, vùng xương trước ức, rãnh lưng, thắt lưng. Có thể thấy các tổn thương hồng ban, vảy hình cánh bướm đối xứng ở mặt, có khuynh hướng teo da (giống Lupus ban đỏ mạn tính) hoặc viêm da đầu hình cánh bướm.
- Niêm mạc không bị tổn thương.
- Toàn trạng bệnh nhân tương đối tốt.
Chẩn đoán xác định bệnh Pemphigus
- Lâm sàng: bệnh gặp ở người lớn tuổi, bọng nước nhăn nheo, rải rác ở trên da và niêm mạc, Nikolsky (+), toàn trạng xấu.
- Xét nghiệm chẩn đoán tế bào Tzanck (+).
- Mô bệnh học.
Điều trị bệnh Pemphigus theo y học hiện đại
• Điều trị tại chỗ
- Bệnh nhân thường được tắm bằng nước thuốc tím 1/10.000. Sau đó bôi dung dịch màu như milian hoặc xanh methylen 2% hoặc mỡ kháng sinh.
- Nếu có loét trợt rộng thì cho bệnh nhân nằm giường bột tale.
- Nếu miệng có nhiều thương tổn thì cho xúc miệng bằng dung dịch novocain 0,25%, bôi glycerin borat 2% và thuốc an thần. Bôi kamistad 15 phút trước khi ăn.
• Điều trị toàn thân
- Dùng corticoid: bắt đầu liều trung bình hoặc liều cao (40 - 150mg/ngày) tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của từng bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân không đáp ứng với Prednisolon sau 6 - 8 tuần thì nên phối hợp thêm với thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamid hoặc methotrexat. Bệnh nhân nên được kiểm tra lâm sàng, tác dụng phụ của thuốc, xét nghiệm chức năng gan, thận, cơ quan tạo huyết.
- Ngoài ra dùng phối hợp kháng sinh chống bội nhiễm, vitamin C liều cao 1 - 2g/ngày; nâng cao thể trạng bằng truyền plasma hoặc truyền máu ít một.
Điều trị bệnh Pemphigus tại phòng khám Thọ Xuân Đường
Bệnh pemphigus do hoả độc, nhiệt độc thấp nhiệt ở tỳ, vị, can, phế, thận gây ra. Mặt khác do khả năng miễn dịch kém và chức năng xả độc cơ thể suy giảm. Hoả độc, nhiệt độc bốc lên sinh lở loét, đau nóng rát, lâu lành. Phương pháp chữa là thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, lương huyết, mát gan thanh phế, tăng miễn dịch.
Bệnh nhân cần sử dụng kết hợp nhóm corticoid một thời gian (nếu đã sử dụng dài ngày) sau đó bỏ dần và bỏ hẳn. Phòng khám đã chữa thành công cho nhiều bệnh nhân thích hợp với các thể của bệnh:
- Sử dụng thuốc sắc hoặc sắc đóng túi để điều trị tổng thể triệu chứng
- Viên xả độc gan
- Viên tăng miễn dịch đông y
- Thuốc tắm (dạng bột)
- Thuốc bôi ngoài chữa các vết thương bỏng rát lâu lành ngoài da được chế biến từ bài thuốc của Ngự Y triều Lê
- Thuốc bôi các nốt phỏng rát trong miệng
Tiến sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)