XU HƯỚNG TRỞ VỀ VỚI TỰ NHIÊN
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 22 (72) ngày 31/07/2019
Sự ra đời và phát triển của y học hiện đại, điển hình là phương pháp chữa bệnh bằng thuốc tây là một thành tựu to lớn và có ý nghĩa của loài người, tuy nhiên Y học cổ truyền, hay còn gọi là Đông y để phân biệt với Tây y, vẫn có vị thế quan trọng được các nước trên thế giới công nhận.
Không chỉ châu Á, nhiều nước Âu, Mỹ đã bắt đầu xu hướng “trở về với tự nhiên” qua việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc có nguồn gốc cây cỏ hay các phương pháp điều trị của y học cổ truyền để dự phòng, chữa trị và nâng cao sức khỏe.
Y học cổ truyền là liệu pháp chăm sóc sức khỏe “êm dịu”, không can thiệp, điều biến hệ miễn dịch, củng cố sức đề kháng. Điều đó rất có ý nghĩa bởi thực tế, theo WHO, mô hình bệnh tật hiện nay đã thay đổi. Tại các nước phát triển, tỉ lệ bệnh tim mạch, đột quỵ não có xu hướng giảm rõ rệt. Trong khi các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, tỉ lệ bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Yếu tố góp phần tăng tỉ lệ bệnh không lây do: chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ, ý thức phòng bệnh kém.
Xu thế sử dụng liệu pháp tự nhiên là tất yếu
Theo WHO, khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Ngày nay, thế giới cũng đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới từ thảo dược thiên nhiên thay vì chú trọng đến việc tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm với nhiều khó khăn, nhiều độc tính cùng chi phí lớn (khoảng 700 triệu USD cho phát triển một loại thuốc mới). Các nhà khoa học dược, các tập đoàn dược phẩm lớn hiện đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc tố hơn và với chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp hơn so với tổng hợp hóa học.
Việt Nam đương nhiên không thể đứng ngoài xu hướng của thế giới. Nhất là với thực tế chúng ta được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới với trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc được ghi nhận theo kết quả điều tra đến 2016. Đặc biệt lại là xứ sở của những loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: sâm Ngọc linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng…Bên cạnh đó, cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây, con, khoáng vật làm thuốc góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng theo từng dân tộc, từng vùng miền. Ngành y tế đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân.
Sâm Ngọc Linh đã được chứng minh có tác dụng chống stress, chống trầm cảm, giải lo âu, kích thích lên hệ miễn dịch, chống oxy hóa, ức chế ung thư, kháng khuẩn, hạ lipid máu, bảo vệ tế bào gan, tăng cường trao đổi chất, tăng cường sức khỏe, tăng cường khả năng tình dục…
Chữa trị bệnh mạn tính khá phức tạp bởi các diễn biến của bệnh thay đổi liên tục, vì thế sử dụng thuốc tây lâu ngày có thể gây đến những tác dụng phụ không mong muốn. Nhưng hiện nay, các bài thuốc y học cổ truyền đã góp phần không nhỏ vào việc điều trị bệnh. Bệnh cơ xương khớp có thể xem là một trong những bệnh phổ biến ở nước ta. Cây chìa vôi được xem là một trong những bài thuốc Nam chữa bệnh thoát vị đĩa đệm tốt nhất hiện nay. Bài thuốc từ cây chìa vôi có tác dụng khu tiêu độc, sát trùng tự nhiên... nên thường dùng để chữa các chứng bệnh đau nhức trong khớp xương, đau lưng hay bong gân trật khớp cực nguy hiểm.
Bệnh gan thì có cây Artiso, Cà gai leo... là một trong những vị thuốc quý giúp bảo vệ gan, phục hồi tế bào gan. Điều trị được các bệnh như viêm gan, nóng gan, men gan cao.
Trong dân gian, lá lốt thường được dùng để chữa các bệnh thường gặp như: Chữa đau nhức xương khớp, Chữa bệnh phụ khoa (các viêm nhiễm ở vùng âm đạo), Chữa đổ mồ hôi nhiều ở tay chân, Chữa viêm xoang... Rau diếp cá thì có thể dùng để hạ sốt cho trường hợp trẻ sốt mà không muốn dùng thuốc tây, hoặc phụ nữ có thai không dùng được thuốc tân dược. Húng quế có tính nóng, mùi thơm, có tác dụng làm ra mồ hôi, giảm đau. Toàn cây lại có tác dụng chữa cảm sốt nhức đầu, nghẹt mũi, đầy bụng...
Hay đối với trẻ nhỏ, sức đề kháng của trẻ còn yếu, kém. Cho nên tình trạng cảm cúm, ho, sốt của trẻ xảy ra thường xuyên. Có thể chữa trị ho cho trẻ em bằng thuốc nam hiệu quả. Đó là nghệ tươi, trà cam thảo, quả cam hấp muối... Khi bé bị sốt thì dùng cây cỏ nhọ nồi hạ sốt cho bé bằng cách ngâm, rửa sạch cỏ nhọ nồi. Sau đó ngâm lại bằng nước muối đun sôi để nguội, vớt ra cho vào cối giã nát. Lọc lấy nước cho bé uống. Có thể dùng thay thế bằng rau diếp cá, hạ sốt bằng chanh tươi hay xông cho bé...
Trong một số phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, y học cổ truyền rất có ý nghĩa trong chữa trị các bệnh lý mãn tính. Bản thân Bộ trưởng cũng từng giới thiệu nhiều người thân đi khám y học cổ truyền và đạt kết quả mỹ mãn. Bà cũng trăn trở làm sao để tăng tỉ lệ sử dụng, khám chữa y học cổ truyền, như tại Trung Quốc tỉ lệ này là 40%. Bộ trưởng khẳng định, việc bảo tồn, phát huy giá trị của y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được Bộ Y tế thể chế hóa bằng nhiều chính sách phát triển khác nhau.
Nhiều bệnh nan y được chữa trị khỏi bằng Đông y
Thực tế cho thấy, rất nhiều căn bệnh, kể cả nan y cũng có thể chữa trị khỏi bằng y học cổ truyền. Dựa trên nền tảng: Âm Dương, Ngũ Hành. Âm Dương, Ngũ Hành cân bằng thì cơ thể khỏe mạnh, "trị vị bệnh", "phòng bệnh hơn chữa bệnh" - là chiến lược y tế vô cùng sáng suốt và là nét văn hóa độc đáo của Đông y từ ngàn năm xưa. Ngày nay, khi phổ bệnh đang có xu hướng chuyển từ nhiễm trùng sang bệnh tâm thân, nội tiết, chuyển hóa, phương thức sống,... thì chiến lược đó sẽ còn có giá trị thực tiễn và khoa học to lớn hơn nữa.
Đông y là nhân thuật, nên đối tượng chính của Đông y không phải là "bệnh" mà là "con người". Phương châm cơ bản của Đông y trong chữa bệnh là "lưu nhân trị bệnh" - nghĩa là trước hết phải giữ lấy mạng sống của con người, sau đó mới nghĩ tới vấn đề khống chế, tiêu trừ ổ bệnh. Mục tiêu chữa bệnh của Đông y là lập lại trạng thái "cân bằng chỉnh thể". Do đó trong quá trình chữa bệnh, Đông y coi trọng khả năng tự khôi phục và tái tạo của cơ thể con người, lấy việc huy động tiềm năng của con người làm phương châm chính. Vì vậy, bệnh nhân được coi là chủ thể, "nhân vi bản bệnh vi tiêu" - nghĩa là người là gốc, là chủ thể, bệnh chỉ là ngọn.
Đông y dùng thuốc tùy theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" - nghĩa là tùy theo chứng trạng biểu hiện ở người bệnh mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Trên lâm sàng, trăm người mắc cùng một bệnh, có thể được chữa trị bằng hàng trăm bài thuốc khác nhau, phỏng theo bệnh tình cụ thể ở từng người bệnh. Vì lẽ đó, không hiếm những trường hợp bệnh nhân đã ở trong tình trạng “bệnh viện trả về” mà khi gặp thầy gặp thuốc ở các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có uy tín thì vẫn có khả năng cao được điều trị cho giảm bệnh, bớt bệnh hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ. Trong danh sách của nhà thuốc đông y gia truyền Thọ Xuân Đường- một nhà thuốc lâu đời nhất Việt Nam, có hàng ngàn trường hợp bệnh nhân đã có được sự may mắn này.
Không phải vô cớ, mà xu thế trở về với thiên nhiên đang được thế giới ưa chuộng. Tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng đang bắt kịp xu hướng này của thế giới. Đó là lý do vì sao thị trường thực phẩm chức năng với những chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên lại phát triển mạnh mẽ, với hàng trăm nhà sản xuất, hàng ngàn tên sản phẩm như hiện nay. Các phương pháp dưỡng sinh, duy trì sức khỏe không dùng thuốc cũng là một trong những con đường để trở về với thiên nhiên một cách hữu ích, thiết thực.
An Hà