Tuyến giáp ảnh hưởng tới cơ thể như thế nào?
Tuyến giáp có cấu tạo gần giống hình con bướm, nằm phía trước cổ, bên dưới thanh quản và bên trên khí quản. Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Tuyến giáp tạo và tiết ra các kích thích tố, bao gồm: Thyroxine (T4), Triiodothyronine (T3), Triiodothyronine đảo ngược (RT3) và Calcitonin.
Các chức năng của tuyến giáp:
- Giữ nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường.
- Điều hoà quá trình chuyển hoá các chất: Glucid, lipid, protein.
- Điều chỉnh cung lượng tim, duy trì nhịp tim bình thường.
- Hỗ trợ tăng trưởng về thể chất và não bộ.
- Duy trì sự phân huỷ xương và tái hấp thu calci.
- Duy trì trạng thái ổn định của tuyến sinh dục.
- Điều hoà nhu động ruột.
Tuyến giáp và các hormone ảnh hưởng tới hầu hết các hệ thống cơ quan trong cơ thể, vì vậy, nếu việc sản xuất hormone tuyến giáp của bạn bị mất cân bằng thì có thể tác động tiêu cực đến sức khoẻ tổng thể của bạn.
Cường giáp
Cường giáp có thể là kết quả của tăng tổng hợp và bài tiết hormone tuyến giáp từ tuyến giáp hoặc phóng thích hormone tuyến giáp quá mức mà không tăng tổng hợp gây ra bởi các dạng viêm.
Các nguyên nhân gây ra cường giáp bao gồm:
- Viêm tuyến giáp.
- Bướu đa nhân.
- Dùng quá nhiều iod.
- Dùng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp.
- Khối u tuyến yên (không phải ung thư).
- Nhân tuyến giáp cường chức năng, nhân độc.
Triệu chứng cường giáp
Sản xuất hormone tuyến giáp quá mức có thể dẫn đến các triệu chứng có thể bao gồm:
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Tăng tiết mồ hôi, da ẩm.
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Đi đại tiện thường xuyên.
- Mẫn cảm với nhiệt.
- Tăng cảm giác thèm ăn.
- Sụt cân.
- Mất ngủ.
- Giảm kinh nguyệt.
- Run tay.
- Nhịp tim nhanh.
- Tóc và móng giòn.
- Yếu cơ.
- Lồi mắt, yếu các cơ mắt gây ra nhìn đôi ở bệnh nhân Basedow.
- Phù niêm trước xương chày.
Bão giáp là một dạng cường giáp cấp tính do cường giáp nặng hoặc không được điều trị/không điều trị đầy đủ. Các triệu chứng của bão giáp diễn ra đột ngột, rầm rộ với các biểu hiện sốt, rối loạn tâm thần, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhược cơ, gan to có vàng da, hôn mê hoặc có thể suy tim và sốc. Đây là tình trạng cấp cứu đe doạ tính mạng cần phải can thiệp nhanh chóng, kịp thời.
Chẩn đoán và điều trị cường giáp
Chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ các hormone tuyến giáp (T4 tự do, T3 tự do hoặc T3 toàn phần), nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Trong bệnh lí cường giáp thường nồng độ T4, T3 tăng còn TSH thấp.
- Đo hấp thụ iod phóng xạ,
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân, có thể bao gồm:
- Thuốc kháng giáp.
- Thuốc chẹn beta.
- Iod phóng xạ.
- Phẫu thuật.
- Iod.
Suy giáp
Suy giáp trái ngược với cường giáp, tuyến giáp của bạn hoạt động kém, không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp.
Nguyên nhân gây suy giáp:
- Nguyên phát: Suy giáp bẩm sinh, các bệnh lí tại tuyến giáp như viêm tuyến giáp, thiếu iod, suy giáp sau điều trị bằng iod phóng xạ hoặc xạ trị ung thư thanh quản, ung thư hạch Hodgkin, suy giáp do thuốc.
- Thứ phát: gây ra bởi vùng đồi sản xuất không đủ hormone giải phóng thyrotropin (TRH) hoặc tuyến yên không sản xuất đủ TSH.
Triệu chứng suy giáp
Các biểu hiện và dấu hiệu của suy giáp khá tinh vi, khó nhận biết:
- Phù quanh hốc mắt, phù niêm.
- Mệt mỏi.
- Không chịu được lạnh, hạ thân nhiệt.
- Tinh thần lờ đờ, mất trí hoặc loạn thần.
- Da khô, bong vảy.
- Tóc khô, thưa, dễ gãy.
- Táo bón.
- Rong kinh hoặc vô kinh thứ phát.
- Nhịp tim chậm.
- Giọng khàn, nói chậm.
Hôn mê phù niêm là biến chứng nguy hiểm do suy giáp kéo dài. Triệu chứng nổi bật là hôn mê và hạ thân nhiệt cực nhanh, mất phản xạ, co giật, suy hô hấp. Đây là trường hợp cần cấp cứu kịp thời vì nguy cơ tử vong rất cao.
Chẩn đoán và điều trị suy giáp
Chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ TSH và T4 tự do. Trong suy giáp nguyên phát, TSH tăng và T4 tự do giảm, còn suy giáp thứ phát TSH và T4 tự do đều thấp.
- Siêu âm.
- Đo hấp thụ iod phóng xạ.
Phương pháp điều trị chính cho suy giáp là uống thuốc hormone tuyến giáp. Điều quan trọng là phải có được liều lượng phù hợp vì dùng quá nhiều hormone tuyến giáp có thể gây ra triệu chứng cường giáp.
Viêm tuyến giáp Hashimoto
Viêm tuyến giáp Hashimoto còn được gọi là viêm tuyến giáp lymphocytic mãn tính. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn tấn công nhầm và từ từ phá huỷ tuyến giáp và khả năng sản xuất hormon của nó. Tỉ lệ gặp ở phụ nữ cao hơn vài lần so với nam giới, và phổ biến ở phụ nữ trung niên.
Triệu chứng viêm tuyến giáp Hashimoto:
Triệu chứng bệnh không đặc hiệu, giống với các triệu chứng của nhiều tình trạng khác. Một số người bị viêm tuyến giáp Hashimoto nhẹ có thể không có triệu chứng rõ ràng.
- Tuyến giáp to lên, không đau.
- Triệu chứng của suy giáp: Mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, nhịp tim chậm, mất tập trung, trầm cảm, mắt và mặt sưng phù,…
- Triệu chứng của cường giáp: Tăng tiết mồ hôi, hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, giảm cân,…
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Yếu cơ.
- Giảm ham muốn.
- Chậm phát triển chiều cao ở trẻ.
Chẩn đoán và điều trị viêm tuyến giáp Hashimoto
Chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ T4, TSH và các kháng thể tuyến giáp. Ở giai đoạn đầu nồng độ T4 và TSH bình thường, nồng độ các kháng thể tuyến giáp tăng cao.
- Siêu âm tuyến giáp.
Phương pháp điều trị: Sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp.
Bệnh Basedow
Bệnh Basedow là một bệnh tự miễn của tuyến giáp. Bệnh liên quan đến dự hiện diện của các kháng thể kích thích tuyến giáp, khiến tuyến giáp sản xuất quá mức hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh sự trao đổi chất của bạn.
Bệnh di truyền và có thể phát triển nó ở mọi lứa tuổi, tỉ lệ nữ giới bị bệnh gấp 5-10 lần nam giới. Nó phổ biến hơn nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 40.
Triệu chứng bệnh Basedow
Các triệu chứng của bệnh Basedow ở người trẻ:
- Bướu giáp to lan toả (thường đối xứng), bướu nhỏ chỉ có thể phát hiện khi khám lâm sàng hoặc siêu âm tuyến giáp.
- Tăng động, lo lắng, bồn chồn, hồi hộp, dễ kích thích.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Vú to ở nam giới.
- Mệt mỏi.
- Tiêu chảy.
- Rụng tóc.
- Mất tập trung.
- Tăng tiết mồ hôi.
- Không chịu được nóng.
- Yếu cơ.
- Run tay.
- Tăng cảm giác thèm ăn.
- Giảm cân, một số ít trường hợp tăng cân.
- Nhịp tim nhanh.
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Tâm trạng thất thường, dễ tức giận.
- Rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh.
- Rối loạn cương dương, giảm ham muốn.
- Lồi mắt.
- Phù niêm.
Các triệu chứng của bệnh Basedow ở người lớn tuổi:
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
- Đau ngực.
- Mệt mỏi.
- Yếu cơ.
- Mất trí nhớ, lú lẫn.
- Chán ăn.
Chẩn đoán và điều trị bệnh Basedow
Chẩn đoán:
- Khám sức khoẻ tổng thể: Cho thấy tuyến giáp to, mắt lồi, run tay và các dấu hiệu tăng sự trao đổi chất, bao gồm mạch nhanh và huyết áp cao.
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ các hormone TSH, T4, T3, nồng độ các kháng thể kháng giáp.
- Xạ hình tuyến giáp.
- Siêu âm tuyến giáp.
Phương pháp điều trị:
- Thuốc kháng giáp.
- Thuốc chẹn beta.
- Iod phóng xạ.
- Phẫu thuật.
Không có cách điều trị nào để ngăn chặn hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp và khiến nó sản xuất quá mức hormone. Nhưng các triệu chứng của bệnh Basedow có thể được kiểm soát, thường với sự kết hợp của các phương pháp điều trị.
Bướu cổ
Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp to không phải ung thư, thường thấy ở tuổi dậy thì, trong khi mang thai, khi mãn kinh và đặc biệt là ở các khu vực có nguồn thực phẩm thiếu hụt iod.
Nguyên nhân gây ra bướu cổ bao gồm:
- Chế độ ăn thiếu iod hoặc ăn nhiều các thực phẩm chứa các chất ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp.
- Các bệnh lí tại tuyến giáp.
- Khối u tuyến yên.
- Thuốc làm giảm sự tổng hợp hormone tuyến giáp.
- Phơi nhiễm phóng xạ.
Triệu chứng bướu cổ
Bướu cổ có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng nếu nó phát triển đủ lớn, tuỳ thuộc vào kích thước. Những triệu chứng này có thể bao gồm:
- Tuyến giáp to lên.
- Khó thở hoặc khó nuốt.
- Giọng khàn.
- Ho hoặc thở khò khè.
Chẩn đoán và điều trị bướu cổ
Chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ T3, T4, TSH.
- Xạ hình tuyến giáp.
- Siêu âm tuyến giáp.
- Sự hấp thu iod phóng xạ tại tuyến giáp.
Phương pháp điều trị: Phụ thuộc vào nguyên nhân và thường chỉ được điều trị khi nó trở nên nghiêm trọng đủ để gây ra các triệu chứng. Điều trị có thể bao gồm dùng thuốc thay thế hormone, liệu pháp iod phóng xạ để thu nhỏ tuyến giáp hoặc phẫu thuật để loại bỏ tất cả hoặc một phần tuyến giáp của bạn.
Để phòng ngừa bướu cổ, bạn nên có chế độ ăn đầy đủ iod, bằng cách tăng cường ăn các loại thực phẩm có chứa iod như: Muối ăn có iod, cá biển, sữa, trứng,… và hạn chế ăn những thực phẩm chứa các chất ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp (bắp cải, súp lơ,…).
U tuyến giáp
U tuyến giáp hay còn gọi là nhân tuyến giáp. Đây là những nốt – khối đặc hoặc lỏng được hình thành bên trong nhu mô tuyến giáp. Khoảng 95% u tuyến giáp là lành tính, còn lại là u ác tính hay ung thư tuyến giáp. Hầu hết các u tuyến giáp không nghiêm trọng và không gây ra các triệu chứng nên không dễ phát hiện. Thay vào đó, nó thường được tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ qua siêu âm vùng cổ.
Nguyên nhân gây ra u tuyến giáp hiện vẫn chưa được biết rõ, nhưng có những yếu tố nguy cơ được cho là gây ra bệnh này bao gồm: phơi nhiễm phóng xạ, thiếu hoặc thừa iod, béo phì, hội chứng chuyển hoá, …
Triệu chứng của u tuyến giáp
- Một số nhân sản xuất hormone tuyến giáp, gây ra mức độ cao bất thường trong máu của bạn. Khi điều này xảy ra, các triệu chứng tương tự như cường giáp.
- Nếu các nhân cản trở tuyến giáp, làm cho tuyến giáp hoạt động kém, không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp sẽ biểu hiện cá triệu chứng tương tự suy giáp.
- Khối u phát triển lớn có thể nhìn thấy được, hoặc chèn ép thanh quản gây khàn tiếng, chèn khí quản và thực quản gây khó thở, khó nuốt.
Chẩn đoán và điều trị u tuyến giáp
Chẩn đoán:
- Khám sức khỏe tổng quát.
- Xét nghiệm máu: Đo nồng độ T3, T4, TSH.
- Siêu âm.
- Chụp MRI để xác định mức độ chèn ép.
- Sinh thiết để xác định ung thư.
Phương pháp điều trị:
Các u tuyến giáp lành tính thường không đe dọa tính mạng và thường không cần điều trị. Nếu khối u phát triển, bác sĩ có thể làm sinh thiết khác và khuyên dùng iod phóng xạ.
Việc điều trị mà bác sĩ đề nghị có thể khác nhau tùy thuộc vào loại khối u của bạn. Các lựa chọn điều trị cho các nốt tuyến giáp ung thư thường có thể bao gồm:
- Iod phóng xạ.
- Xạ trị.
- Hoá trị.
- Phẫu thuật.
U tuyến giáp thường lành tính nhưng chúng ta không nên chủ quan bởi vì vẫn có một tỉ lệ nhỏ u tuyến giáp là tình trạng ác tính. Do đó mỗi người nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kì và tầm soát u tuyến giáp để phòng ngừa và điều trị kịp thời.
BS. Đỗ Thanh (Thọ Xuân Đường)