CÁCH DÙNG GỪNG TRONG MÙA ĐÔNG
Gừng từ lâu là một gia vị quen thuộc trong nhà bếp, cũng là một vị thuốc nam được người dân sử dụng rộng rãi trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng đúng cách để phát huy hết tác dụng của gừng hiệu quả. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường sẽ bật mí cho bạn cách dùng gừng hiệu quả trong mùa đông giá lạnh.
1. Mô tả dược liệu
- Danh pháp khoa học: Zingiber officinale Rose, thuộc họ Gừng Zingibearaceae
- Phân bố: mọc hoang ở nhiều nơi và được trồng nhiều ở khắp các vùng đồng bằng, miền núi để làm thuốc và làm gia vị, làm bánh kẹo…
- Mô tả cây thuốc
Gừng có dạng thân thảo sống lâu năm, có thể cao khoảng 30cm -1m tùy theo điều kiện chăm sóc và sinh thưởng. Thân rễ nạc phát triển thành củ, phân thành nhiều nhánh xòe ra như hình bàn tay, màu nâu vàng, càng già thì càng cay và màu sậm hơn.
Lá mọc so le hình mũi mác, có gân ở giữa hơi trắng, lá có mùi thơm đặc trưng. Hoa có trụ dài khoảng 20cm, mỗi cụm hoa có nhiều hoa nhỏ mọc sát nhau màu xanh, mép và nhị hoa màu tím. Quả mọng
- Thu hái: Thường vào mùa thu đông thu hoạch lấy củ dùng tươi hoặc phơi sấy khô dùng dần. Cũng có thể thu hoạch vào các khoảng thời gian khác trong năm.
2. Vị thuốc từ gừng
- Bộ phận dùng: Thân rễ của cây gừng
- Thành phần hóa học: trong củ gừng có nhiều tinh dầu, nhựa dầu, chất béo, tinh bột và nhiều hợp chất khác.
- Tính vị quy kinh: vị cay, ấm quy kinh Phế, Tỳ, Vị
- Tác dụng: Giải biểu phát hãn, chữa nôn do lạnh, chữa ho, giải độc
- Ứng dụng lâm sàng:
Chữa cảm mạo do lạnh(tán hàn giải biểu): Phối hợp các bị thuốc tân ôn giải biểu khác tạo thành các bài thuốc giải biểu hiệu quả giúp chữa cảm mạo như quế chi thang, Cát căn thăng, Tiểu sài hồ thang, Đại sài hồ thang
Chữa nôn mửa do lạnh: Thường phối hợp với Bán hạ sắc uống. Cũng có thể dùng đơn thuần bằng cách lấy nước cốt gừng tươi pha nước ấm uống để giảm nôn mửa. Hoặc cắt gừng thành từng lát mỏng ngậm trong miệng cũng rất hiệu quả.
Ngoài ra nó còn giúp tăng tác dụng của các vị thuốc khác như giúp Trúc nhự tăng tác dụng chữa nôn do vị nhiệt; Cho thêm vào các bài thuốc kiện tỳ hòa vị để ôn vị hòa trung
Chữa ho do lạnh: Phối hợp với các vị thuốc ôn phế khác như Tử tô, Hạnh nhân để chữa ho. Cũng có thể dùng đơn thuần với mật ong pha nước ấm trị ho hiệu quả.
Gừng cũng có thể phối hợp với quất, húng chanh, đường phèn để nấu thành siro trị ho rất hiệu quả.
Kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi, ợ hơi: làm gia vị trong các món ăn giúp tăng tính ấm nóng
Giải độc, hạn chế độc tính của các vị thuốc Bán hạ, Nam tinh, Phụ tử
Dùng ngoài: Giã nước cốt gừng pha thêm nước ấm và chút muối để ngâm chân, trị chứng bàn tay chân lạnh và giúp khí huyết lưu thông tốt hơn.
Có thể ngâm rượu gừng rồi dùng rượu gừng xoa bóp lòng bàn tay chân vào mùa đông cũng rất hiệu quả.