CÂY HUYẾT GIÁC VỚI NHỮNG CÔNG DỤNG ÍT NGƯỜI BIẾT
Cây huyết giác hay còn gọi là cây xó nhà, trầm dứa,… thường mọc hoang trên các vách đá và nay được sử dụng nhiều làm cây cảnh trong vườn nhà. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cây huyết giác còn được sử dụng như một vị thuốc quý trong Đông y có tác dụng chỉ huyết, hành khí, sinh cơ, hoạt huyết giúp chữa trị chứng bầm tím và ứ huyết do chấn thương, chứng bế kinh, kinh nguyệt không đều, đau nhức xương khớp,… Vậy cây huyết giác được dùng như thế nào để mang lại các công dụng chữa bệnh này, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu ngay nhé!
Mô tả dược liệu
Cây huyết giác hay có tên gọi khác là cây xó nhà, trầm dứa, giác máu, huyết giáng ông… tên khoa học là Pleomele cochinchinensis, thuộc họ hành tỏi Liliaceae. Là loại thực vật nhỏ, sống lâu năm, chiều cao chỉ khoảng 1 – 1.5m, một số cây sống trong điều kiện lý tưởng có thể cao đến 2m. Thân cây phân thành nhiều nhánh, phiến lá hình lưỡi kiếm, mọc cách, không có cuống, phiến lá cứng và có màu xanh tươi. Hoa mọc thành chùm, có khi dài đến 1m, hoa nhỏ và có màu vàng xanh nhạt, quả mọng, hình cầu. Cây huyết giác mọc nhiều ở Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh,…
Dược liệu từ cây Huyết giác
Bộ phận dùng: Phần thân hoá gỗ màu đỏ (Lignum Dracaenae cambodianae). Chất gỗ màu đỏ do một loại sâu hay nấm gây ra trên gỗ cây huyết giác già cỗi mục nát. Lõi gỗ hình trụ rỗng ở giữa hoặc đôi khi là những mảnh gỗ có hình dạng và kích thước khác nhau, màu đỏ nâu. Chất cứng chắc không mùi, vị hơi chát.
Thời điểm thu hái và sơ chế: Thu hái vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tìm chọn những cây huyết giác đã già, hoặc đã chết, rồi cưa lấy phần gỗ chuyển màu đỏ nâu, loại bỏ vỏ ngoài, những gỗ đã mục nát và phần giác trắng sau đó thái lát phơi khô.
Thành phần hóa học: Nhựa trong gỗ huyết giác có chứa nhiều hỗn hợp hóa học và dracoresinotanol chiếm 57 – 82%, dracoalben khoảng 2.5%, dracoresen 14%, nhựa không tan 3%. Dịch lấy từ huyết giác có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa hình thành của các khối huyết. Theo thí nghiệm trên ống kính, dịch chiết ra từ huyết giác giúp ức chế việc kết tập các tiểu cầu và có tác dụng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của staphulococcusaureus.
Tác dụng dược lý của Huyết giác
Chống viêm, giảm đau, giãn mạch, kháng khuẩn, kháng nấm
Dịch chiết từ huyết giác chứa steroidal saponin có tác dụng ức chế sự phát triển của Staphylococcusaureus, Pseudomonas aeruginosa, Fusarium Oxysporum. Ngoài ra, khi thí nghiệm trên ống kính, huyết giác còn có tác dụng ức chế một số loại nấm gây ra bệnh.
Chống oxy hóa, ngừa ung thư và tăng cường hệ miễn dịch
Theo nghiên cứu "Study on the new use of antitumor of Dracaena cambodiana" - Mei W1, Dai H, Wu J, Zhuang L, Hong.K, tháng 10 năm 2005 chứng minh rằng dịch chiết cây huyết giác trong chlorofom có tác dụng chống oxy hóa, tiêu diệt gốc tự do, tăng cường miễn dịch, chống ung thư,...
Chống đông máu, chữa lành vết thương
Dịch lấy từ nước cây huyết giác có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa sự hình thành của các khối huyết tụ vì dịch chiết có tác dụng ức chế việc kết tập các tiểu cầu. Ngoài ra, hỗn hợp thành phần hóa học trong vỏ cây huyết giác kích thích sự tăng sinh và di chuyển của nguyên bào sợi, tăng sản xuất Collagen, dẫn đến tái tạo biểu mô và chữa lành vết thương.
Huyết giác - Vị thuốc quý trong Đông y
Huyết giác có vị đắng chát, tính bình có tác dụng chỉ huyết, hoạt huyết, sinh cơ hành khí. Chủ trị các chứng mụn nhọt lâu ngày không liền, vết thương chảy máu, bế kinh, huyết ứ trệ sau khi sinh, tụ máu do chấn thương, bong gân, đau nhức xương khớp, u hạch.
Liều dùng và cách dùng: Ngày dùng 8-12g sắc uống hoặc dùng thuốc ngâm rượu uống hoặc để xoa bóp.
Huyết giác khô được bỏ ngâm với rượu có nồng độ cao để làm thuốc bóp, khoảng 0,5 kg dùng ngâm với 1,5 lít rượu trong vòng 100 ngày thì dùng làm rượu xoa bóp được. Để nhanh sử dụng hơn, cũng có thể tán nhỏ huyết giác khô khi ngâm rượu.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây huyết giác
Bài thuốc trị đau nhức, vết thương do ngã, do đòn roi, tụ máu...
Cách dùng: Huyết giác 20g, Quế chi 20g, Thiên niên kiện 20g, Đai hồi 20g, Địa liền 20g, Gỗ vang. Các vị tán nhỏ, cho vào chai với 500ml rượu 30 độ, ngâm một tuần lễ, lấy ra vắt kiệt, bỏ bã. Khi bị thương do đánh đập, ngã, đau tức, bầm ứ huyết, dùng bông tẩm rượu thuốc xoa bóp.
Bài thuốc trị bệnh tràng nhạc (lao hạch) vỡ mủ
Cách dùng: Địa hoàng khô 16g, đại táo (sao thành than) 20 quả và huyết giác (sao) 8g. Nghiền các vị thành bột và làm thành cao dán.
Bài thuốc chữa chứng kinh nguyệt không đều
Cách dùng: Huyết giác 20 – 40g. Đem sắc với 400ml nước còn lại 200ml, chia thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng bài thuốc trước kỳ kinh 15 ngày.
Bài thuốc chữa đau tức ngực, đau mỏi lưng và vai gáy
Cách dùng: Huyết giác, Đương quy, Ngưu tất, Mạch môn, Sinh địa, mỗi vị 12g sắc uống. Nếu có sốt, ho, tim to thì gia Dành dành, Thiên môn, Địa cốt bì, Huyền sâm, mỗi vị 12g sắc uống.
Bài thuốc bổ máu
Cách dùng: Huyết giác 100g, hoài sơn 100g, hà thủ ô 100g, quả tơ hồng 100g, đỗ đen sao cháy 100g, vừng đen 30g, ngải cứu 20g, gạo nếp rang. Tất cả tán bột trộn với mật làm thành viên, ngày dùng 10-20g.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282