TAM THẤT VÀ CÁC TÁC DỤNG CHỮA BỆNH
Tam thất hay còn có tên gọi khác là sâm tam thất, kim bất hoán. Tên khoa học là Panax notoginseng, thuộc họ Nhân sâm. Đây là dược liệu có từ lâu đời và có giá trị ngang nhân sâm với rất nhiều công dụng.
Tam thất được phân bố nhiều ở Trung Quốc, Nepan còn ở Việt Nam thì chủ yếu trồng ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. Ở nước ta, cây mọc hoang và được trồng nhiều từ lâu ở các vùng núi cao lạnh 1200- 1500m. Người ta chọn hạt giống tốt ở những cây đã mọc 3-4 năm, gieo hạt tháng 10-11, tháng 2-3 cây mọc, nhưng phải chờ 1 năm sau, vào tháng 1-2 mới bứng cây con đi trồng chính thức. Sau 4-5 năm đến 7 năm thì mới thu hoạch được rễ củ có phẩm chất tốt. Ra hoa tháng 5-7, có quả chín tháng 9- 10.
Mô tả thực vật
Tam thất là cây thảo sống nhiều năm, thân cao 30-50cm. Lá kép chân vịt, mọc vòng 3-4 cái một, cuống lá chung dài 3-6 cm, mang 3-7 lá chét hình mác dài, mép khía răng, có lông cứng ở gân trên cả hai mặt, cuống lá chét dài 0,6- 1,2cm. Cụm hoa tán đơn ở ngọn thân; hoa màu lục vàng nhạt với 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị và bầu hạ 2 ô. Quả mọng hình cầu dẹt, khi chín có màu đỏ, hạt hình cầu, màu trắng.
Thành phần hóa học của Tam thất
Bộ phận dùng chủ yếu là rễ củ chứa saponin triterpen: saponin A, B, C, D, acid oleanolic, đường khử, 16 acid amin như phenylalanin, leucin, isoleucin, valin, lysin,.., các chất vô cơ như Fe, Ca,...
Tác dụng dược lý của tam thất
- Làm tăng khả năng hoạt động của súc vật thể hiện kéo dài thời gian bơi của lô chuột thử thuốc so với một lô đối chứng (những chuột này mang một cục chì nặng kẹp vào đuôi khi bơi để làm chóng mệt)
- Làm tăng sức đề kháng của súc vật đối với yếu tố độc hại như liều độc uabain với tim, nhiệt độ môi trường xung quanh quá cao hoặc quá thấp vượt ngoài giới hạn điều hoà của cơ thể
- Có khả năng kháng lại hiện tượng giảm lượng prothrombin trong máu thỏ và giảm khả năng máu đông gây thực nghiệm với dicumarol
- Không có tác dụng gây tăng huyết áp
Tam thất trong y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền (đông y), tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng chỉ huyết, phá huyết tán ứ, tiêu thũng định thống và tư bổ cường tráng, thường được dùng để chữa thổ huyết, nôn ra máu, đái ra máu, lỵ ra máu, băng huyết, rong kinh, sinh xong máu hôi ra không hết, mắt đỏ sưng đau, rắn độc cắn. Tam thất có hiệu quả tăng nhanh quá trình phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân suy nhược; thuốc chế từ củ tam thất dùng để hồi lại sức của những người đã trải qua nhiều bệnh nặng, nhất là đối với phụ nữ khi sinh đẻ bị yếu, tam thất còn làm tăng nội tiết sinh dục, trị vô sinh.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Tam Thất
1. Chữa máu ra nhiều sau khi đẻ: Tam thất tán nhỏ uống với nước cơm, mỗi lần 8g.
2. Chữa thiếu máu hoặc huyết hư các chứng sau khi đẻ: Tam thất tán nhỏ, uống 6g, hoặc tần với gà non ăn.
3. Chữa các loại chảy máu hoặc sưng u ở nội tạng, các loại thiếu máu do mất máu nhiều hay do giảm hồng cầu: Tam thất tán bột, mỗi ngày uống 6-12g. Chảy máu cấp thì uống gấp bội, bệnh mạn tính thì uống kéo dài nhiều ngày.
Chữa chảy máu khi bị thương: Lá tam thất giã nhỏ, trong uống, ngoài đắp.
4. Chữa suy nhược cơ thể ở người cao tuổi, phụ nữ sau khi đẻ: Tam thất 12g, sâm Bố chính, ích mẫu, mỗi vị 40g, kê huyết đằng 20g, hương phụ 12g. tán nhỏ, uống mỗi ngày 20g. Hoặc có thể sắc uống với liều thích hợp.
5.Chữa viêm gan thể cấp tính nặng: Tam thất 12g, nhân trần 40g, hoàng bá 20g, huyền sâm, thiên môn, bồ công anh, thạch hộc, mỗi vị 12g, xương bồ 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
6.Chữa đái ra máu do viêm nhiễm cấp tính đường tiết niệu: Tam thất 4g, lá tre, cỏ nhọ nồi, kim ngân, mỗi vị 16g, sinh địa, cam thảo đất, mộc hương, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.
7.Chữa rong huyết do huyết ứ: Tam thất 4g, ngải diệp, ô tặc cốt, long cốt, mẫu lệ, mỗi vị 12g, đương quy, xuyên khung, đan bì, đan sâm, mỗi vị 8g, một dược, ngũ linh chi, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
DS. Nguyễn Thị Thanh Xuân