CÚC GAI TÍM CÓ TÁC DỤNG TĂNG MIỄN DỊCH, PHÒNG CHỐNG CẢM CÚM
Cúc gai tím (Echinacea) là loại thảo dược được sử dụng nhiều để trị bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nơi coi đây là Nữ hoàng của các loài hoa cúc. Các cánh hoa màu tím bao quanh vùng nhụy hình nón tượng như con nhím. Cái tên Echinacea có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là con nhím.
Echinacea purpurea, E. angustifolia, E. pallida trong chi Echinacea thuộc họ Cúc (Asteraceae) là 3 loài Cúc gai tím thường được dùng để làm thuốc chữa bệnh.
Trong phương pháp chữa bệnh tự nhiên của người Mỹ bản địa, các bộ lạc da đỏ đã sử dụng Cúc gai tím để chữa rắn cắn, côn trùng cắn và bệnh than. Người Ấn Độ cũng phát hiện ra rằng Cúc gai tím có tác dụng làm dịu cơn đau nhờ sự quan sát loài nai sừng tấm, mỗi khi có con vật bị thương hoặc bị bệnh, chúng sẽ tìm kiếm những bông hoa hình nón màu tím và sử dụng để chữa trị.
Việc nhai rễ cây Cúc gai tím tươi giúp giảm đau răng. Rửa bề mặt da bằng nước ép rễ cây Cúc gai tím giúp chữa lành vết bỏng và vết thương, và làm dịu cảm giác đau rát ở da. Trà được hãm từ lá và rễ Cúc gai tím giúp làm giảm đau nướu, miệng và họng. Cúc gai tím còn được dùng để điều trị cảm lạnh, ho, đau bụng, côn trùng cắn và rắn cắn. Vào cuối những năm 1800, nhiều bác sĩ người Mỹ đã bắt đầu kê đơn thuốc có Cúc gai tím để điều trị cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và bệnh ngoài da. Tuy nhiên, vào những năm 1930, Cúc gai tím không còn được ưa chuộng ở Mỹ nữa, trong khi vẫn phổ biến ở Châu Âu, đặc biệt là ở Đức.
Ngày nay, Cúc gai tím vẫn còn phổ biến ở châu Âu và đã được ưa chuộng trở lại trong nền y học tự nhiên Mỹ. Các bác sĩ dùng nó để rút ngắn thời gian điều trị cảm lạnh và cúm thông thường, bởi nó giúp giảm các triệu chứng ho, sốt và đau họng. Cúc gai tím được nhiều người dùng với mục đích giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và khả năng chống nhiễm trùng cơ thể.
Cúc gai tím là một trong những loại thảo dược được nghiên cứu nhiều nhất trong y học thảo dược hiện nay. Nó nổi tiếng về việc giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh của cảm lạnh thông thường. Polysaccharides, glycoproteins, alkylamides trong Cúc gai tím có tác dụng tăng miễn dịch, chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Các cơ chế tác dụng của Cúc gai tím đến nay vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Sử dụng Cúc gai tím hàng ngày dường như không bảo vệ chúng ta khỏi bị cảm lạnh; tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra tác dụng của việc rút ngắn thời gian mắc bệnh từ 1 đến 2 ngày. Để thấy được tác dụng, hãy dùng đủ liều lượng khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Gợi ý trà thảo mộc chữa cảm lạnh và cúm: 2 phần rễ Cúc gai tím (có thể dùng lá và hoa), 1 phần hoa Bài hương, 1 phần lá Bạc hà, 1 phần cỏ Xạ hương. Các thành phần này trộn lẫn với nhau, dùng 2 muỗng canh, hãm với nước sôi trong 15 phút, lọc và uống. Khi có các triệu chứng của cảm lạnh hoặc cúm hãy uống 3 cốc mỗi ngày. Không nên dùng khi dị ứng với các thành phần của trà, phụ nữ có thai không được tự ý sử dụng.
Lưu ý: Đối với các bệnh nhân mắc bệnh tự miễn cần phải thận trọng khi dùng một loại thảo dược tăng cường miễn dịch như Cúc gai tím. Cúc gai tím có thể ức chế một số loại men gan. Về mặt lý thuyết, Cúc gai tím làm tăng nồng độ thuốc trong máu như itraconazole (thuốc kháng nấm), lovastatin (thuốc hạ cholesterol) và fexofenadine (thuốc chống dị ứng). Vì vậy, khi dùng các loại thuốc chữa bệnh cùng với Cúc gai tím cần phải xin ý kiến của thầy thuốc.
Chim kim oanh (sẻ lông vàng, hót hay) rất thích hạt của Cúc gai tím. Nếu muốn khu vườn nhà bạn trở nên thơ mộng, có thể trồng Cúc gai tím để làm cảnh và để thu hút những chú chim kim oanh trong mùa hè và mùa thu. Không chỉ vậy, trong vườn nhà bạn sẽ sẵn có thảo dược để sử dụng khi cần.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân