MÁCH MẸ LÀM GỐI ĐINH LĂNG CHO TRẺ
Đinh lăng từ lâu đã là một loài cây cảnh, cây thuốc quý được ưa chuộng trong đời sống người Việt Nam. Mọi bộ phận của cây Đinh Lăng từ lá, củ, thân, cành đều mang lại hiệu quả chữa bệnh tuyệt vời. Không chỉ vậy lá đinh lăng còn có thể làm thành gối với nhiều tác dụng. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường sẽ mách các mẹ cách làm gối đinh lăng cho trẻ.
1. Tác dụng của gối đinh lăng cho trẻ nhỏ
Việc dùng lá đinh lăng để làm gối cho trẻ không phải chuyện mới, đây vốn là kinh nghiệm dân gian được truyền qua nhiều thế hệ.
Theo kinh nghiệm dân gian khi sử dụng gối đinh lăng sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn, chống ra mồ hôi trộm, giúp bé ngủ sâu giấc và không giật mình. Ngoài ra lá đinh lăng sau sơ chế có mùi thơm dịu giúp không gian trở nên thanh mát hơn.
Tuy nhiên vì là thảo dược nên dùng gối đinh lăng cũng có 1 số hạn chế nhất định như nó dễ bị ẩm mốc, dễ phát sinh vi khuẩn nếu bị ẩm ướt. Chính vì vậy cứ khoảng 1-2 tuần tùy điều kiện thời tiết cần mang gối ra phơi nắng, và khoảng 6-7 tháng cần thay ruột gối 1 lần để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.
2. Cách làm gối đinh lăng
Trên các trang mạng bán khá nhiều gối đinh lăng làm sẵn nhưng không rõ chất lượng ra sao, có sử dụng các chất hóa học bảo quản hay không. Vì vậy nếu các mẹ muốn cho bé dùng thì nên tự làm những chiếc gối đinh lăng xinh xắn
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Lá đinh lăng: Đây là nguyên liệu chính và quan trọng của chiếc gối. Trong các loài đinh lăng như lá nhỏ, lá to, lá tròn, lá vằn thì lá nhỏ là dùng tốt nhất. Bạn cần chọn những chiếc lá tươi, đẹp, không được quá non, cũng không được quá già. Đặc biệt nên chọn ở những cây đinh lăng lâu năm >3-4 năm sẽ tốt hơn những cây mới trồng. Khi lấy lá bỏ phần cuống và cánh cứng đi, chỉ giữ phần lá để làm gối cho mềm.
- Bông gòn: Những loại bông tự nhiên sẽ làm ruột gối mềm và có độ xốp vừa phải. Các bạn có thể lựa chọn bông gòn Polyester an toàn cho sức khỏe với giá hợp lý
- Vải làm vỏ gối trong: Cần chọn loại vải chất liệu cotton có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, mềm mại, không bị xơ lông, không gây dị ứng cho trẻ
- Vải làm vỏ gối ngoài: Chất liệu cotton dễ thấm hút mồ hôi. Có thể chọn các màu sặc sỡ giúp bé nhìn thích mắt với hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu.
- Các dụng cụ khác: kim chỉ, kéo
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
- Lá đinh lăng sau khi loại bỏ phần cuống và cành cứng, loại bỏ những lá sâu kém chất lượng thì đem rửa sạch. Khi rửa chú ý nhẹ tay không vò nát gây dập lá. Sau đó mang lá để ráo nước rồi phơi khô trong bóng râm. Không nên phơi dưới trời nắng to khiến lá bị giòn vỡ vụn.
Khi nào lá khô thì gom lại cho vào sao vàng hoặc sấy khô để loại bỏ hoàn toàn hơi nước và ẩm mốc. Dùng phương pháp sao sẽ giúp lá đinh lăng có mùi hương dễ chịu hơn.
- Giặt sạch vỏ gối
Bước 3: Tiến hành làm gối
Trộn lá đinh lăng và bông gòn theo tỉ lệ 1:1 rồi cho vào trong vỏ gối trong sao cho nó vừa đầy, không nên nèn quá chặt khiến gối căng phồng bé nằm sẽ bị đau cổ gáy.
Sau đó khâu lại 1 cách chắc chắn rồi luồn vỏ gối ngoài vào, may lại cẩn thận là có thể sử dụng được.
Nói chung gối đinh lăng khá tốt cho trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không sử dụng đúng cách. Chính vì vậy cần đảm bảo gối luôn khô thoáng, tránh ẩm mốc và được vệ sinh, thay ruột thường xuyên.