TRẺ BỊ ĐAU BỤNG CHỚ COI THƯỜNG
Đau bụng là một triệu chứng khá thường gặp ở tất cả mọi người, tuy nhiên khi nó xảy ra ở trẻ nhỏ thì khiến các bậc cha mẹ khá lo lắng. Đau bụng có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, và chưa kể có thể do trẻ nói dối để trốn ăn hay làm nũng cha mẹ. Vậy trẻ đau bụng có thể do bệnh gì gây ra? Và cách xử trí khi trẻ đau bụng là gì?
1. Các bệnh thường gây đau bụng ở trẻ em
Đau bụng ở trẻ em thường khiến trẻ ôm bụng quấy khóc, bỏ ăn bỏ bú. Với các trẻ lớn có thể nói được hoặc chỉ chỗ đau, với những trẻ nhỏ hơn thì thường quấy khóc và ôm bụng là chính. Một số nguyên nhân thường gây ra đau bụng ở trẻ em phải kể đến như:
- Lồng ruột cấp tính
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi rất dễ bị lồng ruột cấp tính và có thể bị tái đi tái lại nhiều lần. Dấu hiệu của căn bệnh này là kiểu đau bụng ngắt quãng từng cơn, đau quặn khiến trẻ đau đớn khóc thét. Có thể kèm theo nôn, da tái nhợt hoặc đi ngoài phân nhày lẫn chảy máu.
Tình trạng này thường gặp khi trẻ nô đùa nghịch ngợm quá mức, hoặc cười quá nhiều. Nếu không đưa đến bệnh viện để tháo lồng kịp thời có thể gây ra tình trạng hoại tử ruột.
- Viêm ruột thừa cấp
Không phải chỉ người lớn mới bị viêm ruột thừa, trẻ con cũng có thể bị viêm ruột thừa cấp tính bất cứ lúc nào. Dấu hiệu của bệnh là sốt, mạch nhanh, người mệt mỏi. Ban đầu có thể đau khắp bụng hay đau thượng vị, sau đó khu trú ở vùng hố chậu phải.
Có thể kèm buồn nôn và một số dấu hiệu khác. Nếu không được chẩn đoán kịp thời có thể gây ra vỡ ruột thừa gây nguy hiểm sức khỏe.
- Tắc ruột
Đây là tình trạng ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Có thể do thức ăn cứng, chất xơ khó tiêu hoặc 1 nguyên nhân nào đó khiến tắc ruột. Trẻ sẽ thấy đau đớn dữ dội và ngày càng tăng. Lúc này cần đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
- Động kinh thể bụng
Nghe có vẻ khá lạ nhưng khi trẻ bị động kinh thể bụng có thể xuất hiện các cơn đau không rõ quy luật, lúc đau lúc không và kéo dài hay ngắn tùy từng trẻ. Căn bệnh này khó chẩn đoán và dễ nhầm với các bệnh khác.
- Giun chui ống mật
Nếu trẻ không được tẩy giun định kì có thể khiến giun tồn tại và chui lên ống mật gây đau cấp dữ dội. Trẻ sẽ đau từng cơn vật vã khó chịu, tư thế giảm đau là chổng mông.
- Đau bụng do thoát vị nghẹt
Một số trẻ có thể bị thoát vị rốn, thoát vị bẹn và gây ra đau bụng. Lúc này có thể nhìn thấy rốn lồi lên hoặc vùng bẹn phình to. Cần đưa bé đi thăm khám và xử trí kịp thời.
- Đau bụng do tiêu chảy
Đau bụng do tiêu chảy hoặc nhiễm trùng tiêu hóa thường sốt, trẻ đi ngoài liên tục phân toàn nước hoặc nhày máu mũi. Có nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy như nhiễm rota virus, ngộ độc thức ăn, nhiễm lỵ amip, trực khuẩn lỵ hay các tác nhân khác.
Khi trẻ bị đau bụng do tiêu chảy cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn cháo loãng và đến gặp y bác sĩ để được kê thuốc phù hợp.
- Đau bụng do các nguyên nhân khác
Đôi khi trẻ có thể đau bụng do giun, đau bụng do rối loạn tiêu hóa nhẹ, hoặc đau bụng do các nguyên nhân khác cũng đều cần đi khám bác sĩ để đảm bảo an tâm.
2. Làm thế nào khi trẻ bị đau bụng
Khi trẻ bị đau bụng có thể do bệnh lý nào đó gây ra, lúc này các bậc cha mẹ cần thực hiện các biện pháp sau:
- Bình tĩnh, không được ép con ăn thêm hay uống thêm khi trẻ đang đau bụng
- Theo dõi xem trẻ có dấu hiệu gì khác không? Ví dụ sốt, nôn, tiêu chảy
- Tuyệt đối không cù chọc bé cười và bế xốc bé đung đưa bé khiến bé dễ bị lồng ruột.
- Đưa bé đi siêu âm để giúp tìm nguyên nhân gây đau bụng
- Đến gặp các bác sĩ để được tư vấn