SKCĐ - Chuyên mục alo lương y Phùng Tuấn Giang xin nghe số 13

CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"

Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 13  ngày 06/07/2022

 

 

 

Hỏi: Đợt này tôi thấy có nhiều người bị sốt xuất huyết, tôi có thể dùng tinh dầu sả để chống muỗi được không? Xin hỏi bác sĩ những tác dụng của tinh dầu sả?

(Nguyễn Diễm – TP. Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Chào bạn!

Hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Việc vệ sinh môi trường, chống muỗi là điều cần thiết để phòng chống sốt xuất huyết. Tinh dầu sả được sử dụng phổ biến bởi hương thơm tự nhiên, là thành phần trong các loại sản phẩm dùng ngoài da như thuốc xoa bóp, mỹ phẩm và cả những sản phẩm xua đuổi côn trùng.

Theo các nghiên cứu khác nhau, tinh dầu sả đã được chứng minh là có các tác dụng đối với sức khỏe như: Xua đuổi côn trùng tự nhiên, chống lại tác hại của các gốc tự do, chống vi sinh vật và nấm, giảm viêm, thúc đẩy sự thư giãn tinh thần…

Dưới đây là một số lợi ích và công dụng tinh dầu sả:

  1. Chống côn trùng tự nhiên

Cây sả được coi là là một loại thuốc chống lại các loài côn trùng có khả năng gây hại một cách tự nhiên và an toàn. Tinh dầu sả đã được chứng minh là có tác dụng xua đuổi muỗi Aedes aegypti nguy hiểm, có khả năng lây lan bệnh sốt xuất huyết và virus Zika.

Sả có tác dụng xua đuổi muỗi, bởi vậy sả có thể bảo vệ, ngăn ngừa các bệnh do muỗi truyền, chẳng hạn như sốt rét, giun chỉ, virus chikungunya, sốt vàng da và sốt xuất huyết.

Theo một số nghiên cứu, cần thoa lại tinh dầu sả khoảng 30–60 phút một lần để tác dụng ngăn chặn côn trùng kéo dài. Có thể kết hợp vài giọt tinh dầu sả với dầu dừa và thoa đều lên cơ thể như kem dưỡng da.

Ngoài ra, có thể dùng tinh dầu sả để xông nhà, hoặc lau nhà để xua đuổi muỗi.

  1. Giúp kiểm soát viêm và đau

Tinh dầu sả có chứa các hợp chất chống lại tác hại của các gốc tự do và giúp đảo ngược stress oxy hóa.

Do đặc tính chống oxy hóa, sả có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị giảm đau tự nhiên. Nó có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm và các triệu chứng đau đớn như trong bệnh viêm khớp.

  1. Nâng cao tinh thần và giảm căng thẳng

Hương thơm của sả có thể giúp nâng cao tinh thần và thư giãn. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu sả kích hoạt cả hoạt động thần kinh giao cảm và phó giao cảm, có lợi cho việc kiểm soát sự lo lắng.

Sả có thể góp phần làm giảm căng thẳng tự nhiên khi sử dụng trong nhà hoặc văn phòng. Khi hít vào, tinh dầu sả có thể giúp thư giãn, tràn đầy sinh lực và tạo ra cảm giác dễ chịu, thậm chí nó còn có thể làm giảm chứng khó ngủ và trầm cảm.

Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng mùi hương sả có thể giúp giảm sự thèm ăn và giảm trọng lượng cơ thể, bằng cách giảm cảm giác thèm ăn do căng thẳng.

  1. Tiêu diệt ký sinh trùng

Tinh dầu sả được sử dụng để tẩy giun và ký sinh trùng ra khỏi đường ruột. Sả hiệu quả tẩy giun và các ký sinh trùng bằng cách làm choáng hoặc làm chết chúng mà không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho vật chủ.

  1. Hương thơm tự nhiên giúp làm sạch vật dụng và không khí

Sả có mùi hương tươi mát, sả là một thành phần phổ biến trong xà phòng, nến, hương nhang, nước hoa và mỹ phẩm. Chúng ta có thể khử mùi hôi trong nhà, tủ lạnh, máy giặt và các dụng cụ khác bằng cách khuếch tán vài giọt tinh dầu sả.

Được chứng minh là có đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn mạnh, tinh dầu sả có thể được sử dụng để giúp làm sạch các bề mặt sàn nha, nhà bếp, phòng tắm và đồ gia dụng mà không cần đến các hóa chất mạnh.

Khi xịt tinh dầu sả lên đồ đạc hoặc gà trải giường sẽ giúp chúng không bị nhiễm vi khuẩn, bọ rệp và mùi hôi.

Xông nhà bằng tinh dầu sả giúp làm sạch không khí, tăng năng lượng tốt, xua đuổi tà khí, chống lại các tác nhân gây bệnh trong không khí.

  1. Tác dụng kháng nấm và kháng vi sinh vật

Ngoài việc tránh bị côn trùng cắn, sả có thể tiêu diệt vi khuẩn, virus và nấm. Sả có thể giúp chữa nhiều vấn đề về da phổ biến như bệnh nấm da và mụn trứng cá.

Tinh dầu sả tinh được chứng minh tác dụng ức chế nấm candida. Candida gây nhiều vấn đề về da và móng.

Tinh dầu sả được sử dụng trong nước súc miệng để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong miệng.

Hỏi: Thưa bác sĩ, y học cổ truyền có thể điều trị được bệnh viêm xoang không? Tôi bị viêm xoang nhiều năm nay, muốn tìm hiểu các phương pháp điều trị bệnh viêm xoang theo y học cổ truyền.

(Thái Vinh – Hà Nội)

Trả lời:

Chào bạn!

Nói đến y học cổ truyền là nói đến phương pháp chữa bệnh truyền thống, tự nhiên, sử dụng thảo dược, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt… Để điều trị hiệu quả bệnh viêm xoang theo y học cổ truyền, cần phải thăm khám tỷ mỉ để xác định đúng thể bệnh.

Theo y học cổ truyền bệnh viêm xoang thuộc phạm vi các chứng tỵ tắc, tỵ uyên, đầu thống. Các nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang do huyết nhiệt, can nhiệt, thấp nhiệt, phong nhiệt tà (cơ địa dị ứng, nhiễm khuẩn) hoặc do phong hàn tà (dị ứng với lạnh). Viêm xoang liên quan đến công năng của tạng phế dẫn đến phế khí hư suy, bệnh lâu ngày nếu không điều trị đúng sẽ ảnh hưởng đến các tạng phủ khác đặc biệt tạng thận. Vùng xoang, mũi có quan hệ với các tạng phủ trong cơ thể đặc biệt là phế, tỳ, đởm, thận thông qua hệ thống kinh lạc.

Vùng mũi xoang là cửa ngõ ra vào của khí, là nơi khí thanh dương giao hội. Thông qua kinh lạc mũi, xoang có mối quan hệ mật thiết với các tạng phủ, đặc biệt là phế, tỳ, thận, đởm. Khi chữa bệnh viêm mũi, viêm xoang cần phải căn cứ vào tình trạng tổn thương khí huyết, tạng phủ trên từng bệnh nhân cụ thể để đưa ra pháp điều trị tốt nhất.

  • Thuốc thảo dược đường uống

Phương hương thông khiếu: Đây là phương pháp dùng các vị thuốc khinh thanh phương hương (nhẹ, hương thơm, có tính thăng tán) để thông tán sự bế tắc của tị khiếu. Các vị thuốc hay dùng là: Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa), Tân di, Thạch xương bồ, Bạch chỉ, Hoắc hương, Cúc hoa, Bạc hà…

Sơ phong giải biểu: Phương pháp này thường được dùng cho bệnh viêm mũi, viêm xoang giai đoạn đầu, khi tà còn đang ở biểu. Nên dùng các vị thuốc giải biểu có vị cay (tân), tính tán để giải biểu tà. Nếu tà gây bệnh là phong nhiệt nên dùng các vị thuốc tân lương giải biểu (phát tán phong nhiệt) như: Liên kiều, Cúc hoa, Tang diệp, Mạn kinh tử, Ngưu bàng tử… Nếu tà gây bệnh là phong hàn nên dùng các vị thuốc tân ôn giải biểu (phát tán phong hàn) như: Kinh giới, Hương nhu, Phòng phong, Tô diệp, Sinh khương…

Thanh nhiệt giải độc: Dùng trong các trường hợp tà nhiệt ở trong, niêm mạc mũi, xoang sưng nề, đỏ, chảy dịch mủ vàng đặc, mùi hôi, đau đầu nhiều. Thường dùng các vị thuốc hàn lương để thanh nhiệt tà, giải độc như: Kim ngân, Liên Kiều, Chi tử, Bồ công anh, Long đởm thảo…

Thanh nhiệt lợi thấp: Phương pháp này dùng trong trường hợp thấp nhiệt ứ đọng, cuốn mũi, niêm mạc xoang phù nề, chảy mủ hôi, màu vàng đặc. Các vị thuốc thường dùng là: Sa tiền tử, Mộc thông, Trạch tả…

Hành khí hoạt huyết: Phương pháp điều trị này thường được dùng trong các trường hợp khí huyết ứ trệ, kinh lạc bế tắc ở tỵ khiếu, niêm mạc mũi, xoang phù nề, sắc tím, ngạt mũi kéo dài. Các vị thuốc hay dùng là: Trạch lan, Hồng hoa, Đào nhân, Hương phụ… có tác dụng hành khí thông lạc, hoạt huyết hóa ứ, tiêu thũng tán kết.

Ôn phế bổ tỳ: Bệnh mũi, xoang do tỳ, phế khí hư thường có biểu hiện: Niêm mạc mũi, xoang nhợt, hay hắt hơi, chảy nước mũi trong. Phế khí hư nhiều thì đoản hơi, đoản khí, tự hãn. Tỳ khí hư nhiều thì sắc mặt vàng nhợt, mệt mỏi, chân tay vô lực, ăn uống kém. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân phế hư hay tỳ hư nhiều hơn để ra phương thang cho phù hợp.

Tư bổ thận âm: Bệnh viêm mũi, viêm xoang mãn tính thường có tổn thương thận âm. Một số biểu hiện của thể bệnh này như: Niêm mạc mũi, xoang đỏ, teo, khô, có gỉ mũi đóng thành cục, giảm khứu giác, hay buồn ngủ, hay quên, đau lưng mỏi gối, tai ù tai điếc… Pháp điều trị trường hợp này là tư dưỡng thận âm, thường dùng các vị thuốc: Thục địa, Sơn thù, Đan bì, Trinh nữ tử, Cẩu kỷ tử…

Bổ hư thác độc: Phương pháp điều trị này thường dùng trong trường hợp viêm mũi, viêm xoang mãn tính, chảy mủ dài ngày không khỏi. Thường dùng các vị thuốc bổ khí huyết và bài nùng, thác độc để vừa bổ chính khí, vừa giải độc tà.

  • Thuốc dùng ngoài

Thuốc bột thổi: Là phương thuốc được chế từ các vị thuốc sơ phong thanh nhiệt, thông kiếu như: Hoàng liên, Tân di… hay sơ phong tán hàn thông khiếu như: Tân di, Xuyên khung, Tế tân… Các vị thuốc cần được tán dưới dạng bột mịn, dùng ống giấy hoặc bình thổi để thổi vào mũi, ngày 2 – 3 lần. Khi thổi, bệnh nhân cần phải nhịn thở, tránh hít sâu để tránh thuốc xuống họng gây ho.

Thuốc nhỏ (xịt) mũi: Dùng các vị thuốc có tác dụng tuyên tán, khu phong, thông khiếu sắc dạng nước dùng để nhỏ hoặc cho vào bình dạng xịt phun sương để thuốc vào sâu đến xoang hơn, tăng tác dụng và thuận tiện hơn cho việc điều trị.

Xông thuốc: Các thuốc thường được dùng là các vị phương hương, thông khiếu như: Bạch chỉ, Bạc hà, Tân di, Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa) … Đun sôi thuốc, dùng mũi hít hơi thuốc bốc lên, hít sâu và thở ra nhẹ nhàng.

  • Châm cứu hoặc cấy chỉ

Châm cứu hoặc cấy chỉ là phương pháp chữa bệnh viêm xoang không dùng thuốc, châm kim hoặc đưa chỉ tự tiêu vào huyệt.

Châm tại chỗ: Chọn các huyệt: Nghinh hương, Quyền liêu, Ấn đường, Toản trúc…

Châm toàn thân: Tùy vào thể bệnh, nguyên nhân gây bệnh để chọn các nhóm huyệt sơ phong, thanh nhiệt, hay bổ phế, tỳ, thận.

Thần châm: Châm cứu “Thần châm” là thế mạnh của Nam Y, dùng kim nhỏ châm vào các huyệt tại chỗ để tập trung nguồn năng lượng nội sinh chống lại các tác nhân gây bệnh, chống dị ứng, làm co cuốn mũi, tăng cường tuần hoàn cho não.

Cứu hoặc ôn châm: Đối với những trường hợp mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang thể hàn, có thể cứu ngải hoặc ôn châm các huyệt Nghinh hương, Quyền liêu, Ấn đường, Toản trúc, Dương bạch, Bách hội…

Nhĩ châm: Nhĩ châm các điểm mũi trong, má, phế. Lưu kim 20 phút hoặc cài loa tai bằng nhĩ hoàn.

Bệnh viêm xoang phổ biến trong nhân dân, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của các nguyên nhân bên ngoài và bên trong cơ thể. Bệnh viêm xoang cấp và mãn tính theo y học cổ truyền được chia ra thành các thể khác nhau, mỗi thể bệnh có triệu chứng, pháp và phương điều trị khác nhau. Do đó, đến với nhà thuốc Thọ Xuân Đường, bệnh nhân sẽ được thăm khám tỷ mỉ, được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với cơ địa, giai đoạn, mức độ bệnh. Với truyền thống chữa bệnh bằng y học cổ truyền 400 năm, nhà thuốc đã chữa thành công bệnh viêm xoang cho nhiều bệnh nhân. Tuy bệnh viêm xoang không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng những triệu chứng khó chịu, biến chứng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống của bệnh nhân. Bởi vậy, điều trị bệnh viêm xoang là cần thiết và nên lựa chọn nhà thuốc Thọ Xuân Đường để được chữa bệnh tận gốc bằng y học cổ truyền Việt Nam với các bài thuốc Nam y Nam dược, châm cứu / cấy chỉ và trị liệu truyền thống tăng sức khỏe.

 

*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]

*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282


Điện thoại liên hệ:0943.986.986