CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"
Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 28 ngày 27/03/2023
Hỏi: Con tôi thường xuyên giật mắt, miệng, cháu năm nay 4 tuổi, nói chậm, liệu đó có phải bị rối loạn Tic không thưa bác sĩ?
(Ngọc Mai – Thái Bình)
Trả lời:
Rối loạn Tic còn được gọi là tật máy giật hay tật máy cơ, đây là tình trạng bệnh mà các cơ cử động một cách bất thường do những rối loạn thuộc hệ thần kinh, khởi phát từ thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Tic là những co giật, những cử động hoặc những âm thanh đột ngột mà người bị Tic làm lặp lại nhiều lần mà không thể kiểm soát được.
Rối loạn Tic là bệnh gì?
Rối loạn Tic hay còn gọi tật máy giật là một dạng rối loạn vận động hoặc một phát âm không chủ đích xảy ra bất ngờ, nhanh chóng nhưng lặp lại nhiều lần. Tình trạng này thường bắt đầu từ thời thơ ấu (trước 5 tuổi) và phổ biến ở bé trai hơn so với bé gái. Theo thống kê, cứ 100 trẻ em trai sẽ có 1 trường hợp mắc rối loạn TIC, và 300 trẻ em gái cũng sẽ có 1 trường hợp. Đa phần rối loạn Tic chỉ là tạm thời và có thể tự khỏi, tuy nhiên, cũng có những trường hợp theo trẻ đến tuổi trưởng thành.
Và tùy theo mức độ, Tic có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người khác nhau. Thậm chí có người còn không nhận ra mình có rối loạn này. Nếu có, đó có thể là sự cô lập xã hội, xung đột cá nhân, không thể làm việc và chất lượng cuộc sống thấp. Sự hiện diện những rối loạn khác đi kèm như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng chế mới thực sự ảnh hưởng nhiều đến chức năng thường ngày.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn Tic là gì?
Rối loạn Tic thường được chia làm 2 nhóm chuyển động là nhóm vận động (motor tic) và nhóm tạo âm (vocal tic). Trong đó, người ta chia nhỏ thêm là Tic đơn giản (một nhóm cơ duy nhất) và Tic phức tạp (nhiều nhóm cơ), có thể xảy ra ngẫu nhiên hoặc liên quan đến tâm trạng.
Không có một trường hợp rối loạn Tic nào giống nhau hoàn toàn, tùy vào dạng Tic hoặc mức độ nặng, nhẹ mà các triệu chứng của người bệnh sẽ khác nhau đôi chút. Cụ thể như những biểu hiện cảm xúc như mệt mỏi, lo lắng, phấn khích, hạnh phúc, căng thẳng… và trở nên tồi tệ nếu được nhắc đến hoặc tập trung vào nó. Những người mắc rối loạn này thường bắt đầu bằng cảm xúc khó chịu tích tụ trong cơ thể. Chỉ khi thực hiện được bằng những hành vi nào đó thì họ mới cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp họ có thể bị ức chế một phần nào đó.
Rối loạn Tic vận động (chiếm khoảng 80%)
Tic vận động đơn giản: Chủ yếu liên quan đến nhóm cơ mặt và cơ cổ với các biểu hiện nháy mắt, chớp mắt liên tục, nhăn mặt, nhún vai, chun mũi, lắc đầu, giật cơ hàm,…
Tic vận động phức tạp: Những hành động kéo dài, liên quan đến nhiều nhóm cơ bắp và được thực hiện theo cùng một thứ tự như cắn môi, cắn lưỡi, nhổ tóc, vươn ra chạm vào cái gì đó nhiều lần, đá một chân lên tiên tục, bắt chước hành động của người khác.
Rối loạn Tic âm thanh (chiếm khoảng 20%)
Tic âm thanh đơn giản: Là những tiếng ồn vô nghĩa như tiếng ho hắng giọng, e hèm trong cổ họng, tiếng hét, kêu ré lên, ngáy, lẩm nhẩm trong miệng.
Tic âm thanh phức tạp: Người bệnh lặp đi lặp lại các từ, cụm từ vô nghĩa của chính mình hoặc người khác, thậm chí có những lời nói tục tĩu, không phù hợp ngữ cảnh.
Thực tế, rất nhiều bệnh nhân có sự chuyển hóa giữa Tic vận động và Tic âm thanh hoặc mắc kèm cả hai dạng, còn gọi là hội chứng Tourette. Tình trạng bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn khi bệnh nhân lo lắng, sợ hãi, mệt mỏi hoặc hưng phấn quá mức.
Bạn nên cho con đi thăm khám để chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị sớm bạn nhé!
Hỏi: Động kinh dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý nào thưa bác sĩ?
(Hoàng Thuận – Quảng Bình)
Trả lời:
Hiện nay, bệnh động kinh không còn xa lạ với nhiều người mỗi khi nhắc đến, bởi trong mỗi chúng ta chắc hẳn đã có người từng chứng kiến người bệnh lên cơn động kinh. Tuy nhiên, động kinh lại dễ bị nhầm lẫn với một vài bệnh lý khác và có tới 51-54% những người được chẩn đoán điều trị động kinh thực sự không bị động kinh. Vậy những bệnh lý nào cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh động kinh để tránh nhầm lẫn trong việc điều trị cho người bệnh, hãy cùng tìm hiểu.
Động kinh là một bệnh lý mạn tính xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra những biểu hiện khác nhau. Co giật không phải là biểu hiện duy nhất, các cơn vắng ý thức đột ngột, co cứng chân tay cũng là biểu hiện của bệnh động kinh. Tuy nhiên, những biểu hiện như co giật, mất ý thức, co quắp tay chân cũng có thể xảy ra do một vài bệnh lý khác, vậy một số trạng thái bệnh lý dễ nhầm lẫn với bệnh động kinh là gì?
Ngất
Theo các chuyên gia thần kinh, tình trạng ngất ở trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh động kinh. Ngất có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như xúc động mạnh, đứng lâu, đặc biệt nếu nhiệt độ môi trường quá nóng, rối loạn nhịp tim, hay do tình trạng quá căng thẳng, đau đớn có thể gây ra tình trạng ngất đột ngột và mất ý thức . Các dấu hiệu cảnh báo trước khi bị ngất như chóng mặt, ù tai, da xanh tái, mắt mờ, buồn nôn, vã mồ hôi lạnh, chân tay loạng choạng rồi ngất xỉu, có thể kèm theo co giật cơ bắp. Người bệnh có thể tự tỉnh lại trong vòng 1 – 2 phút. Ngất có thể tái diễn và thương tích đôi khi có thể xảy ra. Vì có sự tương đồng khá lớn với bệnh động kinh, nên việc chẩn đoán xác định dựa trên nguyên nhân gây bệnh cần được chú trọng nhiều hơn.
Co giật không động kinh
Co giật không động kinh hay còn được dùng với thuật ngữ “co giật tâm căn” là những cơn co giật không kèm theo hoạt động điện bất thường ở não mà có thể do các vấn đề về tâm lý như lo lắng, căng thẳng hoặc đang gặp phải áp lực. Tuy nhiên, co giật không động kinh vẫn biểu hiện ra là một cơn “co giật” thực sự, khiến chẩn đoán trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, các rối loạn này chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân được nhận vào viện với chẩn đoán động kinh nhưng thật sự không có động kinh. Dù sao cũng cần lưu ý rằng những cơn co giật không động kinh có nguồn gốc tâm lý cũng xuất hiện (không thường xuyên) ở những người bệnh động kinh. Loại cơn này thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt ở người có tiền sử gia đình bị rối loạn tâm thần.
Cơn ngừng thở
Những cơn này thường xuất hiện ở trẻ em dưới 6 tuổi và thường xuyên bị chẩn đoán nhầm với động kinh. Những cơn ngừng thở xanh tím xuất hiện khi đứa trẻ cáu giận hoặc không được đáp ứng các đòi hỏi. Đứa trẻ đang khóc xuất hiện ngừng thở, xanh tím và mềm nhũn, gọi hỏi không đáp ứng, đôi khi run và xuất hiện một chút co giật. Tình trạng không đáp ứng có thể kéo dài vài phút. Cơn ngừng thở có thể kèm theo chấn thương đầu nhẹ (do ngã). Đứa trẻ có thể không khóc nhưng bất ngờ mất ý thức và trở nên mềm nhũn. Giật cơ thường gặp như là hậu quả của thiếu oxy não nhưng nhanh chóng hồi phục.
Cơn nhồi máu não thoáng qua
Trong cơn nhồi máu não thoáng qua có thể gây rối loạn cảm giác hoặc vận động do đó dễ nhầm lẫn với động kinh. Tuy nhiên, cơn nhồi máu não thoáng qua dài hơn cơn động kinh, trong cơn các triệu chứng không có hành trình lan tỏa Jackson và hiếm khi mất ý thức. Thêm vào đó, cơn nhồi máu não thoáng qua giống với mất chức năng bao gồm suy nhược, tê bì, mất thị trường, dị cảm.
Cơn tấn công hoảng sợ
Những cơn tấn công hoảng sợ dễ gặp ở những người có trạng thái lo âu và cảm giác này thường đi kèm với những triệu chứng cơ thể như là hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, sợ hãi, bất an. Các cơn hoảng sợ này có thể khó phân biệt với các cơn động kinh cục bộ đơn thuần hoặc cơn động kinh cục bộ phức tạp trừ khi có bằng chứng rốì loạn tâm thần giữa các cơn và cơn có liên quan với hoàn cảnh bên ngoài.
Đau nửa đầu Migraine
Có nhiều lý do để nhầm lẫn cơn đau nửa đầu với cơn động kinh. Ngất có thể xuất hiện trong thời gian của cơn đau Migraine, đặc biệt khi kèm theo nôn. Cơn Migraine hai bên có thể kèm theo mất ý thức và thường liên quan với nhiều triệu chứng khác, do đó dễ chẩn đoán nhầm với động kinh. Những triệu chứng thần kinh đi kèm và tiền sử gia đình của Migraine có thể giúp chẩn đoán phân biệt. Migraine được báo trước bởi rối loạn cảm giác và rối loạn thị giác có thể là nguyên nhân gây nhầm lẫn với động kinh cục bộ. Lưu ý rằng trong cơn đau Migraine có thể gặp hình ảnh kịch phát trên điện não đồ.
Hạ đường huyết
Là trạng thái thường gặp của người bệnh đái tháo đường, đặc biệt ở những người sử dụng insulin hoặc uống thuốc hạ đường huyết. Đôi khi gặp ở những người có u tụy. Hạ đường huyết có thể gây ra buồn nôn, loạn nhịp tim, cơn co giật có thể xuất hiện.
*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]
*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282