SKCĐ - Chuyên mục alo lương y Phùng Tuấn Giang xin nghe số 16

CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"

Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 16 ngày 24/08/2022

 

 

Hỏi: Bố tôi năm nay 75 tuổi hay bị táo bón, mặc dù đã thay đổi chế độ ăn nhưng tình trạng vẫn diễn ra, xin bác sĩ tư vấn giúp để gia đình cải thiện cho ông, xin cảm ơn bác sĩ !

(Lê Giảng – Hưng Yên)

Trả lời: 

Người cao tuổi, hệ tiêu hóa kém hoạt động, dễ gặp các vấn đề về rối loạn tiêu hóa, trong đó phổ biến nhất là chứng táo bón. Tình trạng này gây ra nhiều phiền toái cho sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh.

Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian từ những vị thuốc rất dễ kiếm ngay trong vườn nhà mình:

a)    Nha đam

-    Hay còn gọi là lô hội.

-    Công dụng: Dưỡng ẩm, làm dịu và mềm vùng da khô hoặc bỏng rát, đồng thời có công dụng nhuận tràng, giúp hỗ trợ chữa bệnh táo bón ở người già.

-    Cách thực hiện: Lá nha đam, rửa sạch, gọt vỏ và lấy phần gel bên trong. Sau đó, cắt thành từng miếng nhỏ cho vào nồi đun cùng với lượng nước vừa đủ đến khi sôi.

b)    Mật ong

-    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, mật ong ngoài công dụng kháng khuẩn còn bổ sung lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh.

-    Cách giảm táo bón bằng mật ong, người già có thể uống thử 2 thìa mật ong mỗi lần, ngày uống 3 lần. Trường hợp tổn thương đường tiêu hóa, có thể pha 1-2 thìa mật ong với nước ấm, uống khi còn đói (trước khi ăn 30 phút).

c)    Khoai lang

-    Với thành phần chất xơ, vitamin nhóm B, C cùng một số loại khoáng chất như: Protid, lipid, glucid… khoai lang không chỉ cải thiện tình trạng táo bón mà còn tốt cho sức khỏe.

-    Người già có thể cải thiện táo bón bằng món khoai lang luộc, sắc nước khoai lang tươi hoặc khô.

Phòng bệnh

-    Ăn những thức ăn dễ tiêu hoá, việc bổ sung chất xơ nhằm kích thích nhu động ruột là rất cần thiết, không nên ăn quá no, không ăn nhiều mỡ, tốt nhất là nên ăn nhiều bữa trong ngày. Ăn nhiều rau xanh trong mỗi bữa ăn để bổ sung chất xơ, nhất là các loại rau mồng tơi, rau khoai lang, rau muống, rau dền, rau đay, mướp có tác dụng nhuận tràng rất tốt.

-    Bổ sung các loại hoa quả hàng ngày như: cam, quýt, bưởi, đu đủ, dưa chuột, bơ, chuối, táo, lê,…ăn sữa chua, ăn khoai lang.

-    Uống đủ nước, ít nhất 1,5 lít nước một ngày vì nước có tác dụng làm mềm và bôi trơn phân, giảm độ ma sát trong niêm mạc ống tiêu hóa, giảm cảm giác đau đớn khi đi ngoài. Với người già mắc các bệnh về đường tiết niệu thì có thể uống nước chủ yếu vào ban ngày và hạn chế vào buổi tối để tránh tiểu đêm, tiểu lắt nhắt.

-    Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn tốt cho tiêu hóa, giúp tăng kích thích nhu động ruột, giảm các triệu chứng táo bón. Người cao tuổi cần tạo thói quen vận động, tránh nằm hoặc ngồi lâu một chỗ.

-    Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, muộn phiền ảnh hưởng tới sức khỏe và hệ tiêu hóa.

-    Đi đại tiện vào đúng tư thế, cố định vào một giờ, tốt nhất là buổi sáng để cải thiện tình trạng táo bón.

-    Không nên ăn thức ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ.

-    Hạn chế bia rượu, cà phê.

Hỏi: Em năm nay 26 tuổi hay bị đau đầu khi thời tiết thay đổi, mẹ em ở quê gọi nói dùng ngải cứu để liệu có giảm được tình trạng này không thư bác sĩ?

(Huỳnh Thanh Thanh  – TP. Hồ Chí Minh)

Trả lời: 

Đau nhức đầu là biểu hiện thường gặp trong nhiều bệnh lý, nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như khả năng tập trung làm việc của người bệnh. Có rất nhiều phương pháp điều trị đau nhức đầu hiện nay, nhưng chữa đau nhức đầu bằng ngải cứu được dân gian truyền lại qua các thế hệ vẫn còn nguyên giá trị bởi sự an toàn và công dụng làm giảm đau nhanh, hiệu quả mà nó mang lại. 

Những bài thuốc chữa đau nhức đầu bằng ngải cứu

Bài thuốc chữa đau nhức đầu bằng ngải cứu và khuynh diệp (Bạch đàn)

Chuẩn bị: 100gr lá ngải cứu, 100gr lá khuynh diệp.

Cách dùng: Rửa sạch ngải cứu và khuynh diệp, sau đó cho vào nồi. Thêm 1 lít nước lọc đun cho tới khi nước còn bằng một nửa là được. Chắt lấy nước cốt và uống. Uống trong vòng từ 3-5 ngày để chữa đau đầu, đau cổ họng và cảm cúm.

Bài thuốc chữa đau đầu, hoa mắt bằng lá ngải cứu và mật ong

Chuẩn bị: 300gr lá ngải cứu đã rửa sạch với nước muối và 2 muỗng mật ong.

Cách dùng: Giã nát lá ngải cứu, vắt lấy nước, sau đó thêm mật ong vào phần nước cốt đã chiết được. Nên uống hàng ngày vào buổi trưa và chiều trong khoảng 2 tuần, cách làm này sẽ giảm đáng kể chứng đau đầu thường gặp.

Bài thuốc chữa đau nhức đầu, khí huyết hư tổn từ ngải cứu, đậu đen, trứng gà

Chuẩn bị:150gr lá ngải cứu, 01 quả trứng gà, 50gr đậu đen.

Cách dùng: Đậu đen ngâm trong nước đến khi mềm thì lấy toàn bộ đem đun sôi với lá ngải và trứng gà (lưu ý đun với lửa nhỏ cho đến khi chín nhừ). Trứng gà sau khi chín ăn cùng với phần nước vừa đun, ăn 1 ngày một lần và ăn liên tục trong 10 ngày để chữa bệnh đau đầu. Cách chữa này đặc biệt tốt cho người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, khí huyết kém.

Bài thuốc chữa bệnh đau đầu bằng trứng rán ngải cứu

Trứng rán ngải cứu là một món ăn ngon khá phổ biến và được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, trứng rán ngải cứu còn được biết đến với công dụng chữa chứng đau đầu vô cùng hiệu quả.

Chuẩn bị: Lá ngải cứu non khoảng 100-200gr, 02 quả trứng gà.

Cách dùng: Rửa sạch lá ngải cứu để ráo rồi thái nhỏ hoặc giã nát tùy thích. Đập 2 quả trứng gà vào 1 cái bát, cho phần ngải cứu vừa rồi vào tiếp và đánh tan đều hỗn hợp thêm gia vị rồi đem rán với dầu ăn. Nên ăn ngay khi còn nóng là tốt nhất vì còn giữ được hương vị. Mỗi ngày nên làm 1 lần vào buổi sáng hoặc trưa. Kiên trì dùng liên tục trong 1 tuần đến 10 ngày, hoặc mỗi tháng nên ăn trong 10 ngày sẽ có tác dụng giúp lưu thông tuần hoàn máu não. Đây là bài thuốc chữa bệnh đau đầu bằng ngải cứu cực dễ làm và mang lại hiệu quả tốt.

Xông hơi lá ngải cứu chữa đau nhức đầu

Đây cũng là cách chữa dân gian rất hiệu quả mà ông bà ta hay dùng. Không những trị bệnh đau đầu, cảm cúm, ho mà đây còn là cách giải độc tố cơ thể, phục hồi sức khỏe cực kỳ tốt.

Chuẩn bị: Lá ngải cứu, lá khuynh diệp, lá bưởi hoặc lá sả, tỷ lệ 3:1:1

Cách dùng: Đun sôi 1 lít nước với tất cả thảo dược trên, để sôi khoảng 20 phút là được. Dùng xông hơi trong 15-20 phút. Hiệu quả chữa bệnh có thấy rõ ngay trong lần xông hơi đầu tiên. Hoặc nếu có điều kiện có thể cho thêm các loại lá thuốc thông thường như cúc tần, tía tô, nhánh gừng, lá ổi, lá lốt, lá tre vv…

Chườm ngải cứu chữa đau nhức đầu

Chuẩn bị: Một nắm lá ngải cứu, 1 ít muối, 1 cái khăn mỏng

Cách dùng: Ngải cứu rửa sạch, giã nát, sau đó đem rang chung với muối cho nóng. Bọc hỗn hợp này trong một cái khăn mỏng rồi đắp lên trán và sau cổ gáy vào buổi tối trước khi đi ngủ. Chườm ngải cứu chữa đau đầu là phương pháp dân gian xưa vẫn hay làm và mang lại hiệu quả cao. Việc đắp ngải cứu chữa đau đầu đến bây giờ vẫn được rất nhiều người áp dụng bởi tính năng của nó, rất lành mà không sợ bị tác dụng phụ.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng ngải cứu chữa đau nhức đầu

  • Hoạt chất thujone có trong cây ngải cứu sẽ gây nên tác dụng phụ nếu như sử dụng quá nhiều, tốt nhất không nên dùng quá 4 lần/ tuần.
  • Những người bị dị ứng với các loại thực vật trong họ Asteraceae như cúc vạn thọ, cây cúc,.. không nên dùng ngải cứu vì sẽ bị dị ứng tương tự.
  • Phụ nữ có thai không nên ăn quá nhiều ngải cứu, chỉ nên ăn 1 đến 2 lần trong mỗi tuần, mỗi lần ăn chỉ được phép ăn 3 – 5 ngọn nhỏ. Nếu ăn quá nhiều sẽ gây hiện tượng co bóp tử cung có thể dẫn tới việc sinh non hoặc sảy thai.

Trên đây là những bài thuốc chữa đau đầu bằng ngải cứu rất đơn giản, dễ làm, an toàn và hiệu quả cao mà bạn có thể tham khảo. Để có kết quả tốt nhất, ngoài việc sử dụng các bài thuốc từ ngải cứu, bạn nên tìm nguyên nhân chính xác để có hướng điều trị phù hợp.

 

*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]

*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282

 


Điện thoại liên hệ:0943.986.986