CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"
Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 22 ngày 23/11/2022
Hỏi: Thay đổi thời tiết, tôi dạo này hay bị cảm cúm mà uống thuốc tây nhiều tôi thấy rất lo lắng… Xin thầy thuốc tư vấn cách trị cảm cúm đơn giản tại nhà? Tôi xin cảm ơn !
(Bác Hà Thuý 65 tuổi – Hưng Yên)
Trả lời:
Cảm mạo, cảm cúm là bệnh phổ biến thường gặp khi thay đổi thời tiết, khi giao mùa hay khi thời tiết lạnh ẩm. Bệnh này cũng khá đơn giản và dễ trị bệnh nếu biết cách điều trị đúng. Nếu chủ quan hoặc điều trị sai có thể khiến bệnh trở nặng và điều trị khó khăn.
1. Trị cảm cúm bằng xông hơi thảo dược
Xông hơi thảo dược đã được người dân sử dụng từ rất lâu đời, tùy theo từng loại thảo dược đặc trưng của mỗi địa phương mà có những công thức khác nhau. Đa phần sử dụng các thảo dược có tinh dầu thơm nhằm mục đích sát khuẩn hầu họng, khai thông đường thở để điều trị các chứng cảm cúm, cảm mạo
- Chuẩn bị thảo dược
Lá sả 1 nắm, lá Bưởi 1 nắm, Cành và lá tía tô 1 năm, Bạc hà 1 nắm, Hương nhu 1 nắm, Lá tre 1 nắm.
- Chế biến nồi xông:
Các thảo dược trên đem rửa sạch để ráo nước. Dùng tay vò nhẹ các thảo dược để tăng tiết ra tinh dầu và hoạt chất, sau đó cho tất cả các nguyên liệu vào trong nồi. Đổ nhập nước các thảo dược rồi đậy vung thật kín. Nếu có lá chuối tươi hoặc lá dong có thể phủ lên trên để miệng nồi kín hơn.
Đun lửa to đến khi sôi thì hạ lửa nhỏ đun thêm khoảng 5 phút thì bắc nồi xuống. Để nồi xông lại gần bệnh nhân rồi trùm chăn kín cả nồi xông và bệnh nhân, sau đó mở nắp nồi xông cho tinh dầu và hơi nước nóng từ trong nồi tỏa lên mặt lên người của bệnh nhân. Dùng que khuấy nhẹ nồi cho hơi nóng và tinh dầu bốc lên nhiều.
Xông hơi trong khoảng 7-10 phút đến khi cơ thể ra nhấp nhấp mồ hôi thì bỏ ra, lấy khăn khô lau khô người, thay quần áo và nằm nghỉ ngơi.
Nếu có điều kiện nên ăn thêm 1 bát cháo nóng có tía tô và hành lá để tăng tác dụng giải cảm.
- Chú ý:
Phương pháp này dùng điều trị các chứng cảm mạo không ra được mồ hôi. Với bệnh nhân hư yếu, tự ra mồ hôi thì không xông. Ngoài ra trong quá trình xông hơi cần đảm bảo kín gió, không bật quạt, tránh bệnh nhân bị gió lạnh lùa vào.
2. Trị cảm cúm bằng các loại trà thảo dược, món ăn dân gian
Ăn uống cũng góp phần lớn vào việc điều trị bệnh cảm mạo, giúp bệnh nhân đảm bảo đủ dinh dưỡng, đủ sức khỏe để phục hồi bệnh nhanh chóng. Một số thức uống, món ăn giải cảm có thể lựa chọn:
- Trà gừng mật ong
Nguyên liệu: 5 lát gừng thát mỏng, 2 thìa mật ong
Cách chế biến: Cho gừng và mật ong vào cốc rồi đổ nước đang sôi vào hãm trong 5 phút. Uống ngày 2 lần vào sáng và tối giúp trị cảm cúm, giảm ho, giảm buồn nôn hiệu quả.
- Cháo tía tô
Nguyên liệu: Thịt nạc băm 30g, Trứng gà 1 quả, Hành tím 1 củ, Gạo tẻ 1 nắm, Tía tô 1 nắm, Các gia vị vừa đủ
Cách chế biến: Gạo vo sạch rồi đổ vào nồi cùng khoảng 1 lít nước ninh đến khi chín mềm. Hành tím rửa sạch đập dập phi thơm, rồi cho thịt nạc vào đảo đều, nêm gia vị muối tiêu, gừng rồi trút vào nồi cháo đang sôi. Nêm gia vị cho nồi cháo vừa ăn rồi đập 1 quả trứng gà vào, thêm tía tô, hành lá thái nhỏ vào rồi múc ra bát ăn nóng.
Sau khi ăn ra mồ hôi thì lấy khăn khô lau rồi thay quần áo.
Hỏi: Tôi hay bị dị ứng khi ăn một loại thực phẩm lạ hay thời tiết thay đổi. Xin chuyên gia tư vấn cách điều trị bệnh này theo Y học cổ truyền? Cảm ơn!
(Hoàng Toàn – Nghệ An)
Trả lời:
Y học hiện đại cho rằng bệnh dị ứng gây ra do sự xâm nhập của một chất lạ đối với cơ thể, thường gọi là “dị nguyên". Các dị nguyên có thể xâm nhập vào cơ thể theo nhiều đường khác nhau như đường hô hấp (do hít phải), đường tiêu hóa (do ăn uống), do tiếp xúc qua da hoặc do còn trùng đốt (ong, kiến, rết)… Dị ứng là bệnh gặp quanh năm. Nhẹ thì ngứa ngáy, khó chịu, da mẩn đỏ, nổi mề đay từng vùng trên da hoặc toàn thân. Nặng thì nổi nhiều mụn ngứa, tạo thành các mụn nước, vỡ ra gây viêm nhiễm... Tỉ lệ mắc bệnh cao vào mùa Xuân, thời tiết giao mùa, mưa phùn, độ ẩm cao... Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ và NCT. Trên thực tế hơn 10% NCT ở nước ta bị dị ứng thực phẩm mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nên dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo y học cổ truyền, Tâm chủ huyết mạch, về tuần hoàn của huyết, mà huyết là đối tượng chính của bệnh dị ứng trong cơ thể: Huyết nhiệt sinh phong (huyết nóng sinh ra phong ngứa); Can tàng huyết (can chứa huyết), nên trước hết phải giải độc từ gan; Phế chủ bì mao (da, lông) là một trong những bộ phận trực tiếp bị dị ứng. Vì vậy, cần điều chính các tạng trực tiếp liên quan đến bệnh dị ứng là: can, tâm và phế.
Y học cổ truyền gọi bệnh Dị ứng là Mề đay, Phong chẩn, Phong chẩn khối,... Thường chia hai thể để điều trị:
Thể phong hàn
Bệnh nhân bị dị ứng nổi ban do lạnh (nhiễm lạnh do mưa, mùa lạnh, ngồi phòng lạnh,…). Thường da bị phát ban hơi đỏ hoặc trắng, phát bệnh khi gặp lạnh, lưỡi rêu trắng, mạch phù khẩn. Đây là thể phong hàn.
Phép trị: Khu phong tán hàn, điều hòa dinh vệ. Có thể dùng bài thuốc “Quế chi thang gia giảm”, gồm: Quế chi 8g, Kinh giới 12g, Bạch thược 12g, Phòng phong 8g, Sinh khương 6g, Tế tân 6g, Ma hoàng 6g, Bạch chỉ 8g, Tử tô 12g, Đại tác 129, Xuyên khung 8g, Cam thảo 8g. Cho tất cả vào siêu đất hoặc ấm nhôm, để 600 ml nước sắc còn 200ml, chia hai lần uống trong ngày.
Thể phong nhiệt
Thế thứ hai là phong nhiệt: người bệnh bị nổi các nốt ban đỏ, nóng rát trên vùng da phát ban, miệng khô khát nước, phiền táo, bệnh tăng khi trời nóng, giảm khi chườm mát. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác. Phép chữa: Khu phong, thanh nhiệt lương huyết. Có bài thuốc “Tiêu phong tán gia giảm” điều trị chứng bệnh này: Kinh giới 12g, Phòng phong 12g, Ngưu bàng tử 12g, Thuyền thoái 8g, Sinh địa 16g, Thạch cao 2og, Đan bì 8g, Bạch thược 8g, Đại tảo12g. Sắc uống ngày 1 thang, cách sắc như trên.
Gia giảm: Nếu táo bón, thêm Đại hoàng 6g; nếu dị ứng do ăn uống thêm Sơn tra, Hoắc hương mỗi vị 8g; nếu mất ngủ gia Táo nhân (sao đen) 12g, Thảo quyết minh 12g. Nếu khát nhiều, da nóng kèm đau mỏi cơ bắp gia Cát căn 16g; nếu do uống rượu nhiều gia thêm Cây chó đẻ tươi 20g.
Sau khi uống theo phương thuốc trên một tháng, bệnh nhân có thể dùng Bán chi liên 40g, Bạch hoa xà thiệt thảo 20g dùng 1,5 - 2 lít nước sạch cho vào nấu sôi 10-15 phút, lọc bỏ bã uống thay nước. Nếu có điều kiện, người bệnh có thể uống kết hợp Sâm Ngọc Linh, Nấm linh chi (20 -30g/ ngày) để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Ngoài ra, còn có các bài thuốc nam được sử dụng trong dân gian cũng khá hiệu quả điều trị dị ứng như: Lá quao 12g, Cỏ mực 16g, Cỏ lưỡi rắn 16g, Mắc cỡ (cả cây) 12g, Lá lốt 8g sắc uống như trên.
Người bệnh nên lưu ý: Bệnh dị ứng thường kèm theo ngứa, vì vậy khi ngứa nhiều, nếu dị ứng do hàn, người bệnh có thể xông bằng các lá thuốc dân gian như: Sả, lá chanh, lá bưởi, vỏ quýt... Với thể nhiệt có thể lau bằng nước lạnh cho vài hạt muối, không nên gãi vì sẽ tạo phản ứng gây cảm giác ngứa nhiều hơn.
Dinh dưỡng là thành trì bảo vệ hệ miễn dịch, với 3 vi chất quan trọng là vitamin D, kẽm và sắt. Vì vậy, nên bổ sung từ nguồn dưỡng chất có trong tự nhiên: Ở các loại cá (cá hồi, cá thu, cá mối, cá trích...) và các loại hạt (hạt lanh, hạt chia, óc chó; dầu hạt cải...). Ngoài ra,mỗi ngày nên uống 6-8 cốc nước lọc, tăng lượng probiotic hằng ngày bằng sữa chua. Ưu tiên các loại thực phẩm giàu chất xơ. Có thể sử dụng một số thảo được giúp tăng cường miễn dịch và chống viêm như trà xanh, dứa, nghệ, cây kế sữa, cây móng mèo...
*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]
*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282