ĐAU NHỨC XƯƠNG KHỚP CÓ THỂ LÀ BỆNH GÌ?
Mùa đông tới bệnh xương khớp sẽ trở nặng khiến bệnh nhân vô cùng mệt mỏi. Các triệu chứng đau nhức xương khớp, tê bì tay chân, hạn chế động cùng với sự co cứng cơ do lạnh khiến bệnh nhân càng khó chịu hơn. Vậy đau nhức xương khớp có thể là bệnh gì và cần làm gì để phòng bệnh?
1. Đau nhức xương khớp là bệnh gì?
Càng lớn tuổi xương khớp càng lão hóa theo thời gian, các triệu chứng bệnh xương khớp xuất hiện mỗi lúc một tăng, nhất là sau 50 tuổi. Đau nhức xương khớp là triệu chứng thường gặp nhất, có thể xuất hiện ở nhiều bệnh khác nhau:
- Bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp hay gặp ở nữ giới, căn bệnh này rất khó điều trị dứt điểm và thường xuyên tái phát. Viêm khớp dạng thấp gây đau nhức nhiều ở các khớp xương, cứng khớp buổi sáng, sưng đau các khớp có tính chất đối xứng và thường gặp ở các khớp nhỏ nhỡ.
Nếu bệnh không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến hủy hoại khớp, phá hủy sụn khớp, biến dạng khớp, thậm chí tàn phế
- Loãng xương
Loãng xương thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh do thiếu hụt estrogen. Bệnh cũng có thể gặp ở nam giới và ở các độ tuổi khác nhau. Khi bị loãng xương khiến xương thưa, xốp, dễ gẫy
- U xương, ung thư xương
Căn bệnh này gây ra đau xương khớp mạn tính và kéo dài, tổn thương xương và các cơ quan kế cận rất khó điều trị.
- Lao xương khớp
Tuy là một bệnh ít gặp nhưng lao xương khớp thường gây đau nhức vô cùng khó chịu. Bệnh này rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh xương khớp khác.
- Bệnh thoái hóa khớp xương
Thoái hóa khớp là tình trạng mất cân bằng giữa quá trình tái tạo và hủy khớp, thường diễn ra sau 35 tuổi. Sự mất cân bằng này khiến tổn thương xương dưới sụn, tổn thương tại sụn khớp gây ra đau nhức tại khớp, hạn chế vận động và có thể thấy tiếng lạo xạo trong khớp khi cử động.
- Các bệnh khác
Ngoài ra đau nhức xương khớp có thể gặp trong các bệnh như gout, viêm xương, viêm khớp, thấp khớp…
2. Các biện pháp phòng bệnh xương khớp
Để đề phòng đau nhức xương khớp trong mùa lạnh cần tiến hành kết hợp nhiều biện pháp với nhau:
- Luyện tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe
Mỗi người nên lựa chọn các môn thể thao vừa sức, nên tập luyện đều đặn chứ không nên tập luyện quá sức. Các môn thể thao tốt cho xương khớp phải kể đến như đi bộ, đạp xe đạp, tập bơi, dưỡng sinh, yoga…
- Giữ ấm cơ thể
Mùa đông thời tiết lạnh sẽ khiến các cơ co rút và bệnh khớp trầm trọng hơn. Việc giữ ấm cơ thể giúp hạn chế bệnh tái phát
- Ngâm chân thảo dược và chườm ấm
Sử dụng các loại thảo dược như gừng, lá lốt, ngải cứu, thiên niên kiện đun nước ngâm chân buổi tối trước ngủ rất tốt. Giúp khí huyết lưu thông, hạn chế bệnh xương khớp, ngủ ngon, thư giãn. Cũng có thể chườm ấm bằng nước hoặc muối ngải rang nóng giúp giảm đau hiệu quả.
Ngoài ra nên bổ sung canxi và vitamin D3 đúng cách, giảm cân nếu béo phì và thừa cân để tránh quá tải trọng lượng. Việc ăn uống các thực phẩm giàu chất khoáng, tăng độ nhờn cho khớp như đậu đen, đậu bắp… cũng cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.