Ung thư xương được chẩn đoán như thế nào?

Ung thư xương là căn bệnh ác tính nguy hiểm có xu hướng phát triển dần dần trong thầm lặng và thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn. Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời điều trị, ung thư xương có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.

UNG THƯ XƯƠNG ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO ?

Ung thư xương là căn bệnh ác tính nguy hiểm có xu hướng phát triển dần dần trong thầm lặng và thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn. Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời điều trị, ung thư xương có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.

Ung thư xương là ung thư liên kết từ 3 loại tế bào: tế bào tạo xương, tế bào tạo sụn và tế bào liên kết của mô xương. Bệnh hay gặp ở thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi, chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng lứa và nam gặp nhiều hơn nữ.

Vậy Ung thư xương được chẩn đoán như thế nào?

Thăm khám lâm sàng

Người bệnh ung thư xương có triệu chứng đau gặp ở 85%-95% các trường hợp. Lúc đầu có thể đau ít sau đau tăng dần liên tục. Hạn chế vận động.

Khối u xương thường có dạng hình cầu, hình thoi cứng chắc ranh giới rõ, không di động, u ở sâu, hay gặp nhất là đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu trên xương cánh tay, đầu trên xương đùi. Các xương dẹt hay gặp là xương chậu và  xương  bả vai.

Có thể gãy xương bệnh lý do va chạm hoặc tiến triển tự nhiên của bệnh.

Các tổn thương phần mềm: teo cơ, sưng nề.

Các phương pháp chẩn đoán ung thư xương

Chụp X - quang xương thẳng và nghiêng

Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được dùng khá phổ biến hiện nay, giúp cho biết vị trí ban đầu của khối ung thư trong xương, xác định số lượng, vị trí, ranh giới tổn thương và đánh giá sự xâm lấn phần mềm, theo dõi và quan sát tiến triển của bệnh hay chỗ ung thư đã phát triển ra trong cơ thể. Trước khi chụp X-quang, bạn sẽ phải bỏ hết đồ trang sức, các vật dụng bằng kim loại ra khỏi cơ thể bởi kim loại có thể ngăn cản tia X xuyên qua cơ thể, gây cản trở cho quá trình thực hiện kỹ thuật.

Chụp Scan xương

Scan xương còn được biết tới là scan xương bằng chất đồng vị. Loại này rất nhạy cảm và có thể phát hiện ra các tế bào ung thư xương trước khi chúng hiện lên qua X-quang. Một lượng chất phóng xạ nhẹ sẽ được tiêm qua ven, thường là vào tay. Sau đó sẽ tiến hành scan. Nếu chiếc xương bất thường hút nhiều chất phóng xạ hơn xuơng bình thường, nó sẽ hiện lên là một vùng nổi bật (thường gọi là điểm nóng). Độ phóng xạ được sử dụng trong scan là rất thấp và không hề có hại. Phóng xạ này sẽ mất  khỏi cơ thể trong vòng vài giờ.

Chụp cắt lớp vi tính (CT- scaner)

Phương pháp chụp CT – scaner thường được sử dụng để đo kích thước khối u và để tầm soát ung thư xương đã di căn sang cơ quan khác như não, gan,… chưa. Bên cạnh đó, chụp CT – scaner cũng là công cụ hỗ trợ khi tiến hành đưa kim sinh thiết vào trong khối u.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp cho hình ảnh có độ sắc nét và tương phản rất tốt nên mang đến hiệu quả chẩn đoán cao hơn so với các phương pháp siêu âm, chụp X-quang hay chụp CT. Chụp cộng hưởng từ MRI giúp đánh giá sự lan rộng của tổn thương trong xương, trong tủy xương, mô mềm, xâm lấn thần kinh, mạch máu. Vì vậy, chụp MRI là phương pháp có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh ung thư xương nên thường được áp dụng.

Chụp xạ hình xương

Chụp xạ hình xương có độ nhạy cao, thường được bác sĩ áp dụng để xác định ung thư xương đã lan sang các xương khác hay chưa. Đồng thời, kỹ thuật chụp xạ hình xương là phương pháp duy nhất hiện nay có thể chẩn đoán chức năng hệ xương bằng hình ảnh. Các phương pháp khác như chụp X-quang, chụp CT chỉ cho kết quả về cấu trúc giải phẫu mà không đánh giá được chức năng hệ thống xương.

Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)

Tế bào ung thư rất ưa thích hấp thu các phân tử đường phóng xạ. Tận dụng đặc tính trên, phương pháp PET đưa một loại đường đặc biệt (có gắn nguyên tử phóng xạ) vào trong cơ thể người xét nghiệm. Tế bào ung thư sẽ được xác định dựa vào vị trí phân bố của các phân tử đường phóng xạ. Phương pháp PET thường được kết hợp với phương pháp chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) để cho kết quả chẩn đoán ung thư xương chuẩn xác hơn.

Chọc mẫu sinh thiết

Một loại kim đặc biệt được cắm vào xương để lấy mẫu tế bào. Khi nhìn tế bào mẫu dưới kính hiển vi, bác sĩ có thể biết đó là u xương lành tính hay ác tính. Nếu khối u đó là ung thư thì cần phải làm thêm một vài xét nghiệm nữa để xác định chính xác loại ung thư. Làm sinh thiết bằng chọc kim lấy mẫu có thể cho biết khối u đó là ung thư hay không. Đôi khi, số tế bào mẫu quá ít để đưa ra câu trả lời rõ ràng, lúc đó cần tới biện pháp sinh thiết mở.

Sinh thiết mở

Có nghĩa là dùng dao mổ (scalpel) lấy một mẫu mô từ khối u. Nếu khối u vẫn còn nhỏ thì có thể khoét bỏ toàn bộ nó đi. Do đó, sinh thiết mở được coi là sinh thiết chuẩn. Phương pháp này có nhiều ưu điểm về chẩn đoán, phân loại và xếp độ ác tính mô bệnh học. Các kết quả này rất cần thiết để chuẩn bị trước mổ, cho chỉ định phẫu thuật bảo tồn hay cắt chỉ, phạm vi cuộc mổ đến đâu, dự định điều trị bổ trợ ra sao.

BS Thu Thủy

Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ

NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG 

Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline: 0943986986 - 0937638282

 

 


Điện thoại liên hệ:0943.986.986