Thiên môn đông nhuận phế kim ích thận thủy

Thiên môn đông là vị thuốc không xa lạ gì trong y học cổ truyền. Vị thuốc này có tác dụng tư âm, tả phế hỏa, bổ thận thủy, nhuận táo đàm. Y học hiện đại đã chứng minh được Thiên môn đông có nhiều tác dụng dược lý, là vị thuốc tiềm năng trong việc chăm sóc sức khỏe

THIÊN MÔN ĐÔNG NHUẬN PHẾ KIM ÍCH THẬN THỦY

Thiên môn đông là vị thuốc không xa lạ gì trong y học cổ truyền. Vị thuốc này có tác dụng tư âm, tả phế hỏa, bổ thận thủy, nhuận táo đàm. Y học hiện đại đã chứng minh được Thiên môn đông có nhiều tác dụng dược lý, là vị thuốc tiềm năng trong việc chăm sóc sức khỏe

 

Cây Thiên môn đông [Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.] thuộc họ Măng tây (Asparagaceae)

1.    Cây thuốc Thiên môn đông

Thiên môn đông còn có tên là Thiên đông, Thiên môn, Minh thiên đông, Dây tóc tiên. Vị thuốc là rễ phơi khô của cây Thiên môn đông [Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.] thuộc họ Măng tây (Asparagaceae). 

Thiên môn là dây leo sống lâu năm dài 1-2m. Rễ củ hình thoi, có cuống dài, mọc thành chùm. Thân mang nhiều cành, có ba cạnh, dài nhọn, hình lưỡi liềm nom như lá, gọi là diệp chi. Lá thật tiêu giảm nhỏ như vẩy. Hoa nhỏ màu trắng, mọc ở kẽ các diệp chi. Quả mọng, hình cầu, màu lục nhạt sau đó chuyển sang màu trắng, hạt màu đen.

Mùa hoa vào tháng 3 – 5, mùa quả tháng 6 – 9. Vào mùa xuân, thường thấy các chồi măng mọc lên từ gốc. Thu hoạch củ Thiên môn vào mùa khô (cuối mùa đông, đầu mùa xuân), lúc cây 2 năm tuổi trở lên.

Cây Thiên môn ưa sáng, khi cây còn nhỏ chịu bóng, thích hợp với nhiều loại đất với dải pH rộng.

Cây Thiên môn có nguồn gốc ở các nước Đông Á và phân bố ở hầu hết các nước châu Á. Ở nước ta, cây Thiên môn mọc hoang và được trồng ở các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ, ven biển miền Trung.

Người ta trồng Thiên môn không chỉ để làm thuốc mà còn làm cảnh, làm hàng rào, treo trong chậu để cây rủ xuống.

Cây Thiên môn đông [Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.] thuộc họ Măng tây (Asparagaceae)

2.    Vị thuốc Thiên môn đông

Rễ củ Thiên môn đông sau khi thu hái được rửa sạch, loại bỏ rễ con, tẩm nước cho mềm rồi đồ qua. Sau khi đồ, Thiên môn còn nóng thì bỏ vỏ mỏng, rút lõi, có thể thái mỏng, phơi hoặc sấy khô.

Dược liệu là những đoạn rễ dài khoảng 5 cm đến 18 cm, đường kính 0,5 - 1 cm, hai đầu thuôn nhỏ dần, màu vàng nhạt đến vàng nâu (màu hổ phách), trong, mờ, sáng bóng. Thể chất cứng, dai, có chất nhầy dính, mặt cắt mịn bóng. Mùi nhẹ, vị hơi đắng.

 

Dược liệu Thiên môn đông

Bột dược liệu màu trắng ngà, mùi đặc trưng, vị ngọt hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm gồm tế bào thành mỏng, chứa tinh thể calci oxalat. Tinh thể catci oxalat hình kim xếp thành bó hay rải rác, dài 40 - 99 µm.

•    Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Thiên môn chứa hoạt chất chính là saponin steroid (khoảng 30 chất), sau khi thủy phân với acid sulfuric thu được các genin chính như: Sarsasapogenin, yamogenin, penogenin, neohecogenin… và các đường glucose, rhamnose, xylose. Thành phần chính của saponin là oligofurostanosid.

Ngoài ra, Thiên môn còn chứa phytosteron, polysaccharid và các acid amin tự do. Thân và lá Thiên môn có chứa flavonoid mà thành phần chính là rutin và một glycosid khác aglycon là kaempferol.

Thiên môn có tác dụng kháng khuẩn, ức chế đc các chủng vi khuẩn Bacillus anthracis, Streptococcus hemolyticus A và B, B. diptheriae, Diplococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Staphylococcus citreus, B. subtilis…

Hoạt chất asparagin (một loại acid amin) trong Thiên môn có tác dụng lợi tiểu.

Thiên môn đông chứa inulin, đây là loại chất xơ hòa tan có tác động đối có lợi với hệ vi sinh vật đường ruột, giúp giảm táo bón và hỗ trợ tiêu hóa.

Thiên môn đông có tác dụng chống trầm cảm và bảo vệ thần kinh, giảm kích thước ổ nhồi máu não.

Thiên môn đông có tác dụng oxy hóa mạnh, có thể được sử dụng để làm giảm gốc tự do trong cơ thể giúp ngăn ngừa lão hóa.

Các nghiên cứu còn cho thấy Thiên môn có tác dụng trừ đờm, giảm tiết chất nhày đường hô hấp, giảm ho, hạ nhiệt, bồi bổ, chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, tăng miễn dịch, ngăn ngừa tổn thương gan do rượu.

•    Y học cổ truyền

Thiên môn đông có vị cam (ngọt), khổ (đắng); tính đại hàn; quy các kinh thủ thái âm phế khí phận, túc thiếu âm thận (khổ năng kiên thận, hàn năng khứ thận gia thấp nhiệt). Có tác dụng tư âm, nhuận táo, thanh phế giáng hỏa, hóa đàm, sinh tân ích thủy thượng tiêu (phế kim sinh thận thủy), nhuận bì phu. Y học cổ truyền dùng Thiên môn đông để chữa các chứng phế ung, hư lao, khái thấu, thổ huyết, thổ nùng (mủ), nhiệt bệnh, tiêu khát, cốt chưng, tân dịch hao tổn, táo bón.

Liều dùng từ 6 – 12g/ngày dưới dạng thuốc sắc, cao hoặc hoàn tán; có thể dùng đơn độc hoặc phối ngũ với các dược liệu khác. Địa hoàng, Bối mẫu là sứ, ố lý ngư (cá chép). Người vị hư vô nhiệt kỵ dùng.

Thiên môn đông được dùng để chữa bệnh từ lâu đời. Hiện nay, ngoài việc dùng dưới dạng dược liệu, Thiên môn đông còn là thành phần của nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Cây Thiên môn dễ trồng, có thể phát triển thành vùng dược liệu theo hướng GACP-WHO để tạo nguồn dược liệu chất lượng cho ngành y dược.

Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân


Tác giả: Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân

Điện thoại liên hệ:0943.986.986