TÌM HIỂU TÁC DỤNG CỦA VỊ THUỐC CAM TOẠI
Cam toại còn có tên khác là cam cảo, lăng cảo, lăng trạch, khổ trạch, bạch trạch, trùng trạch, cam trạch, chủ điền, quỉ xú. Là một loại thuốc nổi tiếng của Trung Quốc, được chế biến từ rễ cây cam toại, có tên khoa học là Euphorbia kansui hoặc Euphobia sieblodiana, thuộc chi Euphorbia, là chi lớn nhất của họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Đặc điểm thực vật cây cam toại
Cây cam toại là loại cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 20-50 cm, thích nghi tốt trong điều kiện hạn hán hoặc giá lạnh. Thân cây mọc thẳng đứng, có màu xanh, lá mọc xen kẽ trên thân hình kim hoặc hình mác thẳng, dài 3–5 cm, rộng 6–10 mm, phần gốc lá rộng, đỉnh lá tù, không cuống hoặc có cuống ngắn. Hoa có màu vàng xanh, xếp thành cụm với 5-9 hoa ở đỉnh thân. Quả nang tròn, hại hình trứng, màu nâu. Rễ cây mảnh mai, hình que, bầu dục thon dài hoặc uốn cong khúc khuỷu. Vỏ rễ màu nâu hoặc hồng tím. Thường thu hoạch rễ trước khi cây tàn lụi.
Hoa và rễ cam toại Euphorbia kansui
Muốn dùng Cam toại buộc phải chế biến
Rễ cây cam toại chưa qua chế biến thường có độc tính cao. Nó có thể gây kích ứng da, miệng, kích thích đường tiêu hóa và tăng nhu động ruột gây tiêu chảy, ngoài ra còn gây tổn thương gan. Do đó cần phải chế biến để giảm độc tính của vị thuốc. Sách cổ có nhiều phương pháp chế biến cam toại khác nhau, đa phần xử lý bằng nhiệt hoặc giấm. Khi lựa Cam toại, nên chọn loại có rễ vỏ sậm màu, thịt trắng, hình dạng khúc khuỷu như chuỗi tràng hạt mới tốt. Rễ tươi được rửa sạch, phơi trong bóng râm. Theo Bản thảo Cương mục, chế cam toại thì bọc bột, đem nướng kỹ rồi dùng dần. Theo Trung Dược Đại từ điển, rễ cam toại rửa sạch và bọc lại. Sau đó đem làm cháy ở bên ngoài. Theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Luận, rễ cam toại đem giã nát và ngâm trong nước Cam thảo và Tề ni trong 3 ngày. Khi nước chuyển màu, vớt đem rửa với nước từ 3 – 7 lần cho đến khi nước trong. Sau đó sao giòn để dùng dần. Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển, đem rễ cam toại rửa sạch rồi ngâm với nước trong vòng 3 giờ. Cạo bỏ vỏ bên ngoài, thái lát mỏng rồi sao với cám theo tỷ lệ 1:1 cho đến khi rễ màu vàng, thể chất giòn.
Tác dụng chữa bệnh của Cam toại và những điểm đáng lưu ý
Y học hiện đại cũng có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý của Cam toại. Các nghiên cứu hóa hoặc bắt đầu từ những năm 1940. Cho đến nay, có gần 100 hợp chất đã được phân lập và xác định cấu trúc từ Cam toại. Trong số đó, diterpen và triterpen là những thành phần hóa học chính và một số thành phần phụ khác như sterid, coumarin, axit béo, sucrose và nhựa. Về dược lý, Cam toại được chứng minh là có tác dụng lợi tiểu mạnh, chống oxy hóa, chống ung thư, chữa viêm tụy, kháng virus, chữa vô sinh, chống tiểu đường, diệt côn trùng.
Theo Đông Y, cam toại có vị đắng tính hàn, có độc tính, thuần dương. Chuyên trị hành thủy, hạ các thứ thủy tán được khí nóng lưu ở bàng quang. Dùng trong các trường hợp phù nề, ngực bụng đầy chướng. Nó có sức hóa đờm, tiêu những đồ ăn đồ uống đọng dư trong ruột, phá được kiên trưng tích tụ (khối kết ở bụng, cứng rắn và không di động được). Trị sán khí kết ở bụng dưới và các chứng Thận kinh thủy thấp, âm nang sưng nặng.
Khi dùng Cam toại, cần lưu ý một số điểm quan trọng. Cam toại ghét Viễn chí, phản Cam thảo. Do đó, cần cấm kỵ phối Cam toại với Cam thảo, Viễn chí trong các bài thuốc. Thuốc cần thận trọng khi dùng cho người suy nhược và chống chỉ định với phụ nữ có thai. Người bị dạ dày yếu nên gia thêm đại táo.
Cam toại nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc nặng trên đường tiêu hóa (tiêu chảy nghiêm trọng, đau bụng…), chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, nhức đầu, mất nước, thậm chí trụy tim mạch, khó thở, mê sảng và tím tái. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể suy hô hấp và tử vong. Do đó phải hết sức thận trọng khi sử dụng loại dược liệu này.
Một số bài thuốc chứa Cam toại
Chữa phù bụng đầy chướng: Cam toại sao 10g, hắc khiên ngưu 100g, tán bột sắc đặc thỉnh thoảng uống 1-2 hớp.
Trẻ con cam thũng: Cam toại (dùng thứ khúc khuỷu như chuỗi tràng hạt) sao kỹ và Thanh bì, hai vị bằng nhau, tán bột. Trẻ độ 3 tuổi thì mỗi lần dùng khoảng 4g với nước mạch nha đun sôi. Hễ thấy đi đại tiện và tiểu tiện nhiều thì thôi. Uống thức này cần kiêng độ chua, độ mặn.
Chữa chướng khó thở: Cam toại, đại kích mỗi thứ 100g nướng trên lửa nhỏ rồi tán thành bột, mỗi lần dùng nửa thìa cà phê sắc với nửa chén nước sôi uống (Thánh Tế Tổng Lục).
Phù thẳng căng đầy, đại tiểu tiện không lợi muốn chết: Dùng Cam toại 5 chỉ (nửa sống nửa sao), dùng Yên chi phôi tử 5 muỗng cà phê tán bột lần uống 1 chỉ, Bạch miến 4 lượng trộn nước làm như con cờ nấu với nước khi nào nổi lên là được rồi ăn nhạt, sau khi lợi đại tiểu tiện dùng tiếp “Bình vị tán” gia thục Phụ tử 2 chỉ sắc uống (Phổ Tế Phương).
Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ:
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282