MÓN ĂN BÀI THUỐC CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
Vấn đề dinh dưỡng và lựa chọn thực phẩm đối với thai phụ sao cho an toàn và đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi rất quan trọng, đặc biệt trên những bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ.
Điều cần phải làm đối với sản phụ đó là khám thai định kỳ để phát hiện ra những vấn đề trong thai kỳ, trong đó có kiểm tra đường huyết. Đặc biệt trong những trường hợp thai phụ có các yếu tố nguy cơ cao như tuổi > 35, béo phì, tiền sử có đái tháo đường thai kỳ, có đường niệu, tiền sử gia đình bị đái tháo đường cần phải đặc biệt chú ý. Bệnh thường phát sinh vào giai đoạn đầu của quá trình thai nghén.
Để có thai kỳ khỏe mạnh, kiểm soát đường huyết bền vững, tránh được những biến chứng cho mẹ và cho thai nhi, sản phụ mắc đái tháo đường thai kỳ cần phải tuân thủ chế độ ăn như sau:
- Lượng calo mỗi ngày dành cho bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ được tính dựa trên cân nặng lý tưởng. Trên thai phụ đã có cân nặng lý tưởng lượng calo cần thiết là 30 Kcal/kg, những thai phụ gầy cần nhiều calo hơn và ngược lại.
- Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ nên kiêng các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường hấp thu nhanh như: Đường trắng, sữa đặc, nước ngọt, bánh kẹo... và hạn chế các đồ ăn chế biến từ đường bột đã qua tinh chế... Nên ăn các loại thực phẩm có Carbohydrate hấp thu từ từ như: Ngũ cốc thô, Đậu đỗ, rau xanh, trái cây tươi… Cắt giảm chất béo bão hòa có nguồn gốc từ mỡ, nội tạng động vật, thay vào đó là chất béo không bão hòa từ thực vật, cá để đảm bảo dinh dưỡng và sự phát triển cho thai nhi.
- Chia các bữa ăn ra thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ để đảm bảo cung cấp calo và chất dinh dưỡng mà không bị tăng đường huyết sau ăn.
- Không bỏ bữa ăn: Việc này có thể dẫn đến hạ đường huyết và rối loạn trầm trọng hơn sự chuyển hóa đường trong cơ thể thai phụ.
Những món ăn bài thuốc dong y cho bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ:
• Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ ăn uống không điều độ:
- Sinh sơn dược (Củ mài) 120g, nấu với 1 lít nước sao cho còn lại 350ml, uống nước và ăn Sơn dược.
- Sơn dược 80g, Liên nhục 20g, Xích tiểu đậu 15g, Nhu mễ 500g, tất cả nghiền thành bột mịn, mỗi ngày dùng 15 – 20g, nấu cùng canh ăn.
• Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ khát nhiều:
- Râu ngô 50g đun cùng 1,5 lít nước, đun đến khi còn lại 700ml, uống trong ngày.
• Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ có âm hư, người bức bối, phiền khát.
- Cám Tiểu mạch 50g, nấu thành cháo, ngày ăn 2 lần vào bữa phụ.
- Rễ cỏ lau tươi (Bạch mao căn) 15g, Gạo tẻ 50g. Sắc Rễ cỏ lau với 1,5 lít nước, còn lại 1 lít lấy nước sắc cho gạo vào nấu thành cháo, ngày ăn 2 lần vào bữa phụ.
• Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ, ăn nhiều, mau đói:
- Khổ qua 150g, Đậu phụ 100g. Khổ qua bỏ hạt, rửa sạch, thái mỏng, xào cùng dầu lạc, khi chín tới thì cho Đậu phụ đã thái miếng vào xào to lửa, cho gia vị vừa đủ, ăn ngày 1 lần.
• Bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ ăn nhiều, uống nhiều:
- Lá khoai lang 50g, Bí xanh 100g. Nấu thành canh, ăn ngày 1 lần.
Ngoài thực hiện chế độ ăn trên, phụ nữ cần tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức để kiểm soát cân nặng, đường huyết, tránh căng thẳng stress, kiểm tra sức khỏe và khám thai định kỳ.
Tiến sĩ - Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282