ĐẬU BẮP KHẮC TINH CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Đậu bắp là một trong những thực phẩm – vị thuốc bổ dưỡng và còn có tác dụng giúp hạ đường huyết hiệu quả và an toàn. Nó được coi là khắc tinh của bệnh đái tháo đường.
Cây Đậu bắp (Abelmoschus esculentus (L.) Moench, họ bông Malvaceae) còn có tên khác là Bụp bắp, Mướp tây. Đậu bắp là loại cây thảo lớn, sống lâu năm, mọc đứng, cao khoảng 2m. Thân dày, hình trụ, khỏe, có lông nhám. Lá mọc so le, phiến rộng, chia thùy chân vịt, thường gồm 5 - 7 thùy có răng không đều và kích thước thay đổi. Cuống lá dài. Cuống hoa mọc ở nách lá, dài từ 1 – 3cm. Hoa màu vàng hoặc hơi vàng, có chấm đỏ tía ở gốc. Quả nang có góc (hình thoi), dài từ 8 đến 15 cm, nhọn dài ở đầu. Mùa quả từ tháng 5 – 9.
1. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Quả đậu bắp giàu Pectin, Mucilage, sắt (Fe), Magie (Mg), Kali (K) và Calci (Ca). Quả tươi còn chứa 88% nước, 2,2% Protein, 0,2% chất béo, chất xơ và các chất khác như Thiamin, Riboflavin, Acid ascorbic và Niacin, các Vitamin A, Vitamin C, Acid folic…
Chất nhầy được chiết từ quả Đậu bắp là dạng vô định hình có trọng lượng phân tử khoảng 15.000 đvC (chứa nhiều dưỡng chất, chất xơ hòa tan và không hòa tan), chữa khoảng 9% Protein. Chất nhầy này có tác dụng hạ đường huyết, được dùng để chữa bệnh đái tháo đường. Chất nhầy này còn có tác dụng nhuận tràng, giảm đau, làm lành vết loét đường tiêu hóa, chống ung thư đại trực tràng.
Nghiên cứu về cao lỏng thân cây có tác dụng hạ đường huyết trên chuột thực nghiệm ở liều ổn định là 30g/kg thể trọng (hạ đường huyết sau 40 – 90 phút). Khi so sánh với insuline, Đậu bắp không gây hạ ngay đường huyết như insuline, nhưng ổn định hơn và không có nguy cơ hạ đường huyết xuống dưới mức bình thường.
Với thành phần giàu Protein, nhiều chất dinh dưỡng, không có Cholesterol, chứa ít calo, Đậu bắp có tác dụng giảm béo, ngăn ngừa nguy cơ các bệnh về tim mạch, xả độc tố, bảo vệ sức khỏe.
Acid folic chứa trong Đậu bắp là dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt đối với những phụ nữ có thai, nó có tác dụng rất quan trọng trong việc phòng ngừa các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Ngoài ra, các Vitamin và yếu tố vi lượng chứa trong Đậu bắp tốt cho da, tóc và mắt, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
2. Các bài thuốc, món ăn từ Đậu bắp tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Bài 1: Dùng 500g quả Đậu bắp tươi hoặc 100g quả khô thái nhỏ sắc với 2 lít nước sắc còn 3 bát. Uống trong ngày.
Bài 2: Dùng 2 quả Đậu bắp, cắt bỏ đầu và khúc đuôi rồi bổ đôi theo chiều dọc, ngâm vào một ly nước lọc nguội, đậy kín lại, để qua đêm. Trước khi ăn sáng ngày hôm sau, vớt bỏ 2 quả Đậu bắp đã ngâm, uống hết ly nước. Dùng liên tục trong 2 tuần.
Bài 3: Dùng thân, lá và quả Đậu bắp phơi khô cùng với một số thảo dược khác như mướp đắng (Khổ qua), lá ổi, lá Sakê lượng bằng nhau… sắc uống.
Bài 4: Canh đậu bắp Sakê. Nguyên liệu: Đậu bắp 2 quả, lá Sakê non 1/2 lá, búp ổi 5 cái, đậu phụ non 1 miếng, gia vị vừa đủ. Cách thực hiện: Đậu bắp cắt khúc, lá Sakê thái sợi, búp ổi non rửa sạch, đậu phụ cắt miếng vuông vừa ăn. Cho nước vào nồi đun to lửa đến khi sôi, cho đậu phụ và Đậu bắp vào, sau 2 phút cho lá Sakê và búp ổi, nêm gia vị vừa miệng, dùng với cơm.
Tiến sĩ - Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc dong y Thọ Xuân Đường, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282